Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay, theo quy định, dịch vụ sử dụng ngân sách thì không thu thuế. Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị công lập tự chủ vẫn bị thu thuế, không chỉ với hoạt động kinh doanh, liên kết. Có nghĩa, khi tính giá học phí tại các trường công lập tự chủ, viện phí của các bệnh viện công tự chủ đều phải tính thêm 2% chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Học sinh, người bệnh là người trực tiếp phải "gánh" khoản phí này. Nêu thực tế với lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, trong thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế công lập hiện triển khai các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, các khoản thu từ những dịch vụ này lại đang bị xem là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi bản chất là dịch vụ sự nghiệp công, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Do vậy, các đại biểu đề nghị, các hoạt động thuần túy phục vụ công, không mang tính kinh doanh thì không nên tính thuế. Tuy nhiên, với phần thu nhập đến từ hoạt động liên kết, hợp tác với bên ngoài, cần quy định rõ để tránh tình trạng đánh thuế toàn phần.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: luatvietnam.vn |
Về mặt nguyên lý, thuế thu nhập doanh nghiệp là nghĩa vụ của tổ chức tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, cần nhìn nhận, giáo dục và y tế vốn là những lĩnh vực công ích, phi lợi nhuận. Các đơn vị công lập-dù tự chủ-vẫn đang thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội chứ không đơn thuần là hoạt động kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp thông thường. Khi các cơ sở y tế, giáo dục phải nộp thuế như doanh nghiệp, hệ quả trực tiếp là chi phí hoạt động tăng lên, khiến các trường, bệnh viện buộc phải tăng học phí, viện phí để bù đắp nghĩa vụ thuế. Và cuối cùng, chính người học, người bệnh-những người cần được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ-lại là đối tượng phải gánh chịu gián tiếp khoản thuế này. Do đó, việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp lên phần thu vượt chi mà không xem xét đến mục tiêu sử dụng khoản dư đó (đầu tư lại cơ sở vật chất, trả lương, học bổng, nghiên cứu khoa học...) là điều thiếu hợp lý và gây áp lực tài chính lên người dân.
Viện phí, học phí phải cõng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất cập chính sách, cần được xem xét một cách toàn diện và nhân văn hơn. Điều này đi ngược lại với mục tiêu lớn của Nhà nước là bảo đảm tiếp cận công bằng và hợp lý với dịch vụ y tế, giáo dục cho toàn dân.
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.