Giao thông đa địa hình, nhiều chia cắt

Theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng (mới) sau khi sáp nhập sẽ trở thành địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với hơn 24.000km2, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại thành phố Đà Lạt hiện nay. Với địa hình trải rộng từ Đông sang Tây, tỉnh Lâm Đồng sẽ có không gian phát triển hội tụ địa hình đồng bằng, cao nguyên, biên giới và hải đảo. Cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào, tỉnh được kỳ vọng sẽ trở thành một “cực tăng trưởng” mới của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề giao thông kết nối đang là trở ngại lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, khẩn trương, đi tắt đón đầu.

 Cao tốc Liên Khương-Prenn nối sân bay Liên Khương với thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay. 

Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố địa hình và lịch sử phát triển. Nếu Bình Thuận là địa phương ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, địa hình chủ yếu là đồng bằng và trung du thì hai tỉnh còn lại là Lâm Đồng và Đắk Nông lại thuộc vùng Tây Nguyên, địa hình chủ yếu là cao nguyên và đồi núi. Các dãy núi cao như Langbiang, Bi Doup, Nam Nung, Brah Yàng cùng hệ thống sông Đồng Nai, sông Krông Nô, sông Lũy, sông Cái... chia cắt các địa phương thành nhiều khu vực biệt lập với khí hậu và địa hình đặc thù. Từ trước tới nay, các công trình giao thông của 3 tỉnh chủ yếu ưu tiên phát triển theo trục Bắc-Nam, quy tụ về trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, cụ thể: Bình Thuận có Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc-Nam, Lâm Đồng có Quốc lộ 20, Đắk Nông có Quốc lộ 14 và cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành đã được khởi công dự án thành phần. Trong khi đó, các tuyến giao thông theo trục Đông-Tây chưa phát triển. Hiện chỉ có duy nhất Quốc lộ 28 nối liền 3 tỉnh nhưng tuyến đường này đã cũ, xuống cấp, nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc quanh co, ẩn chứa nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Tăng tốc khơi thông mạch giao thông kết nối

Sáp nhập Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận không chỉ là một quyết định chính trị-hành chính mang tính lịch sử mà còn là bước đi chiến lược nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua, các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tốc hệ thống giao thông kết nối giữa 3 tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã trực tiếp kiểm tra dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng và Bình Thuận. Dự án do Ban Quản lý Dự án 5 (Cục Quản lý đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng số vốn 1.435 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công triển khai theo phương châm “3 ca, 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ để dự án thông xe kỹ thuật trước ngày 1-9-2025, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác sáp nhập tỉnh.

Cùng với Quốc lộ 28B, dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 63,32km, với tổng vốn đầu tư hơn 1.490 tỷ đồng cũng đang được địa phương đốc thúc, nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Lâm Đồng với khu vực đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ.

Ông Phạm Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, 3 tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xem xét, hỗ trợ kinh phí Trung ương nhằm sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 28 đi qua 3 tỉnh với chiều dài 310km với quy mô đường cấp III, tổng kinh phí dự kiến khoảng 7.700 tỷ đồng. Trong trường hợp chưa cân đối được đủ nguồn vốn để đầu tư toàn tuyến, đề nghị phân kỳ ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp trước đoạn Phan Thiết-Di Linh-Gia Nghĩa, chiều dài khoảng 197km với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.900 tỷ đồng nhằm giúp địa phương khắc phục khó khăn về giao thông nội tỉnh sau sáp nhập, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, 3 tỉnh đã thống nhất đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc kết nối Đắk Nông-Lâm Đồng-Bình Thuận với tiến trình chuẩn bị đầu tư giai đoạn trước năm 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2030. Xây dựng tuyến đường động lực từ thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) nối huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) với khoảng cách 75km nhằm phát triển kinh tế-xã hội, kết nối hai trung tâm công nghiệp bô-xít là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương chuẩn bị khởi công 2 dự án cao tốc Liên Khương-Bảo Lộc, dài gần 74km, tổng số vốn đầu tư 17.718 tỷ đồng và Bảo Lộc-Tân Phú giai đoạn 1, dài 66km, số vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng. Đầu năm 2025, hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đã có tờ trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Đà Lạt-Nha Trang với chiều dài gần 81km, vốn đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2026 đến 2028.

Với các dự án giao thông đã và sẽ thực hiện, dự kiến đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có ít nhất 5 tuyến cao tốc, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt được nâng cấp, xây mới sẽ tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, hiện đại, giúp tỉnh Lâm Đồng mới khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững, phát huy hiệu quả chủ trương sáp nhập tỉnh, mở ra không gian phát triển trong kỷ nguyên phát triển mới.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.