Đã có nhiều văn bản được các cấp ban hành để quản lý việc sản xuất, kinh doanh thuốc lá, một loại hàng hóa được liệt vào “hàng tiêu dùng độc hại”. Dạo qua thị trường thuốc lá trên địa bàn Hà Nội vào những tháng cuối năm mới thấy việc quản lý mặt hàng này thực sự là vấn đề khó khăn đối với cơ quan chức năng.

Thuốc lá lậu được bày bán công khai trên phố Hàng Hành, Hà Nội.

Chỉ một con phố nhỏ Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm nơi được coi là địa chỉ của dân chơi sành điệu, không chỉ bởi trên con phố dài mấy trăm mét này có hàng chục quán cà phê thời thượng mà nơi đây còn là “thiên đường” của các loại thuốc lá ngoại. Ngay đầu con phố có tới 4-5 người phụ nữ bán thuốc lá. Đừng nhìn cái mẹt nhỏ đựng thuốc lá được che đậy sơ sài bằng tấm ni-lon mỏng hoặc tủ thuốc tự chế bằng kính con con mà coi thường, bởi cho dù bạn có hỏi bất kỳ loại thuốc lá ngoại nào hiếm đến đâu cũng được đáp ứng, từ Jet, Hero, Pall Maill hay Mail Seven, 555 dẹt, Black Mild… Tại các mẹt hàng này có thể bắt gặp sự có mặt của các hãng thuốc lá trong nước như Vinataba, 555 sản xuất tại Việt Nam… nhưng đó chỉ là số ít, bởi phần lớn đều “treo đầu dê, bán thịt chó”, vỏ nội nhưng ruột lại là thuốc lá ngoại. Làm như vậy để những người bán hàng nơi đây có thể qua mắt được sự kiểm tra của đội quản lý thị trường.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có 30.000-40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, những người hút thuốc ở Việt Nam chi 8,2 tỷ đồng cho việc mua mặt hàng này. Chi phí cho việc mua thuốc lá của một người từ khi hút tới khi mắc bệnh là 32 triệu đồng. Mỗi người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền dành cho lương thực, gấp 1,5 lần số tiền chi cho giáo dục. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nếu không ngăn chặn kịp thời, khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ chết sớm vì thuốc lá. Trong năm 2006, các lực lượng chức năng trên toàn quốc đã bắt giữ trên 1.711 vụ với số lượng gần 4,9 triệu bao thuốc lá ngoại các loại, tiêu hủy hơn 420 nghìn bao. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, đã bắt giữ trên 1.050 vụ, với số lượng 1,6 triệu bao thuốc lá, cho tiêu hủy gần 640 nghìn bao, trong đó chủ yếu là thuốc lá Jet, Hero và 555. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng thuốc lá giả nhập lậu Vinataba và White Horse, thậm chí có hiện tượng thu mua vỏ bao để sản xuất thuốc lá điếu với chất lượng kém.

Thuốc lá ngoại lưu hành trên địa bàn Hà Nội hầu hết là hàng nhập lậu. Ban chỉ đạo 127 ở một số nơi nóng về buôn bán thuốc lá ngoại như Quảng Ninh, Tây Ninh, Quảng Trị… thường xuyên bắt và xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vào nội địa. Mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống, nhưng với thủ đoạn tinh vi và mức độ chống đối ngày càng quyết liệt của các đối tượng nên kết quả công tác chống buôn lậu thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những điểm khó khăn lớn nhất cho các lực lượng chức năng là việc thực hiện Nghị định 59/2006/CP (thay thế Nghị định 11/1999/CP) về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; theo đó quy định mặt hàng thuốc lá ngoại không còn là mặt hàng cấm, mà là hàng nhập lậu, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Do sự răn đe không cao, nên sẽ dẫn đến việc gia tăng số lượng người buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu trong thời gian tới, trong khi các lực lượng chức năng còn thiếu về kinh phí và phương tiện hoạt động. Một trong những nguyên nhân dẫn đến buôn lậu thuốc lá tăng là do việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đầu lọc cấp thấp đã làm tăng giá thành thuốc lá sản xuất trong nước.

Quản lý thị trường thuốc lá nội địa, đặc biệt là quản lý việc thực hiện cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức quả thực rất khó khăn. Có những đợt Quản lý thị trường làm mạnh, các hàng đó “dạt” và im hơi vài ngày, vậy mà cư dân Hàng Hành và những người nghiện thuốc lá ngoại đã “sôi” lên. Thế cho nên mới thấy, việc quản lý mặt hàng này không hề đơn giản. Chống thuốc lá lậu rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa bộ đội biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường, đồng thời Nhà nước cũng cần nghiên cứu, áp dụng chính sách thuế phù hợp, có chế tài xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cần được các địa phương cũng như cơ quan chức năng làm tốt hơn để người dân hiểu những tác động xấu khi thuốc lá ngoại xâm nhập vào thị trường nước ta.

Bài, ảnh: HÀ VŨ