Bứt tốc vào nhóm thu nhập trung bình cao
Chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam sau năm 1975 chìm trong đói nghèo, lạc hậu và muôn vàn khó khăn. Cơ sở hạ tầng hầu như bị phá hủy, nền kinh tế vận hành theo cơ chế bao cấp trì trệ, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp. Lạm phát có thời điểm vượt quá 700%, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn và thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 100USD/năm. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, Việt Nam từng bước thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 |
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. |
Trong suốt 3 thập niên qua, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình hằng năm của Việt Nam đạt khoảng 6-7%, bất chấp những thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19 hay biến động kinh tế thế giới. Đến năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 476 tỷ USD, đứng thứ tư ASEAN, chỉ sau Indonesia, Singapore và Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam nằm trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới và xếp thứ 32 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Sau 50 năm, cuộc sống của người dân Việt Nam đã có những thay đổi ngoạn mục. Nếu như vào những năm đầu thập niên 1990, tỷ lệ đói nghèo ở mức 58% thì đến năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc là 4,06%; GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.700USD, bước vào trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là xuất khẩu. Với chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thuận lợi cùng nguồn lao động dồi dào, Việt Nam trở thành thỏi nam châm hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, từ chưa đầy 1 tỷ USD vào năm 1986-thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, đến năm 2024, con số này đã vượt mốc 400 tỷ USD.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn hàng đầu thế giới và được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng nhất khu vực. Sự bứt phá về thương mại không chỉ phản ánh năng lực sản xuất, xuất khẩu và hội nhập quốc tế của Việt Nam mà còn là kết quả của quá trình cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng.
Chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng được coi là chìa khóa để Việt Nam vượt qua “cơn gió ngược”, đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng nhiều bất ổn và diễn biến khó lường. Dù vậy, Việt Nam vẫn đối diện với không ít thách thức trên con đường phát triển như sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, chênh lệch giàu-nghèo, áp lực dân số già hóa, biến đổi khí hậu, năng suất lao động thấp so với các quốc gia phát triển và đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Bệ phóng mới
Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025-một mức phấn đấu cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,5-7%. Đây không chỉ là con số thể hiện kỳ vọng mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới. Mục tiêu tăng trưởng cao được xác định là bước tạo đà quan trọng để Việt Nam bứt phá tăng trưởng hai con số trong các giai đoạn tiếp theo. Đúng như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việc đặt ra mục tiêu cao là cần thiết để thúc đẩy toàn dân và toàn hệ thống chính trị cùng nỗ lực, nhằm đạt được những mục tiêu dài hạn của đất nước. "Nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 khó mấy cũng phải làm, không làm không được", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tăng trưởng cao và hướng tới tăng trưởng hai con số là một mục tiêu đầy tham vọng với Việt Nam nhưng hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa tăng trưởng còn lớn, cùng với quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh khoa học-công nghệ và chuyển đổi số. Kết quả tăng trưởng GDP quý I-2025 đạt 6,93% cho thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, đồng thời đặt ra không ít thách thức trên hành trình về đích.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ chú trọng làm mới và làm mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời tích cực bồi đắp các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đầu tư công được xem là “đòn bẩy kích cầu”: Chính phủ tập trung giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, ưu tiên cho hạ tầng giao thông chiến lược. Đối với đầu tư tư nhân, Chính phủ cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời hút mạnh dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, xanh và bền vững.
Trong khi đó, để giữ đà xuất khẩu cao, Chính phủ đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua các FTA thế hệ mới, tận dụng hiệu quả cơ hội hội nhập. Song song với đó, Việt Nam đang ưu tiên phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như: Công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số và đổi mới sáng tạo; nông nghiệp công nghệ cao gắn với xuất khẩu xanh, bền vững; năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; dịch vụ chất lượng cao, logistics, du lịch xanh, tài chính số. Đáng chú ý, với những biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang sử dụng linh hoạt các biện pháp pháp lý, kinh tế và ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của mình trong thương mại quốc tế.
Không chỉ là một quốc gia hồi sinh sau chiến tranh, Việt Nam còn là một biểu tượng của tinh thần quật cường, sáng tạo và khát vọng vươn lên. Từ một đất nước từng bị bao vây, cấm vận, Việt Nam ngày nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia sâu rộng vào các tổ chức đa phương. Hình ảnh một Việt Nam hòa bình, hợp tác, tiếp tục vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng và bền vững ngày càng được khẳng định rõ nét.
Bài và ảnh: VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.