QĐND - Sáng 7-3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu "Hành trình khát vọng" nhân kỷ niệm 55 năm Đội quân tóc dài, 50 năm phong trào Ba đảm đang. Dự lễ kỷ niệm và chương trình giao lưu có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Những tấm gương phụ nữ can trường

Trời Hà Nội rét đậm do không khí lạnh tăng cường kèm những cơn mưa phùn, nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự vui mừng, phấn khởi trên gương mặt của các bà, các mẹ tụ hội về đây. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cọt, (77 tuổi, có chồng, con trai và em trai là liệt sĩ) ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, bộc bạch:

- 10 năm rồi mẹ mới được ra thăm lại thủ đô Hà Nội, thấy thay đổi nhiều quá. Ra lần này đúng dịp thời tiết ở miền Bắc lạnh, mẹ không quen, nhưng mẹ được các con chăm sóc chu đáo, mua tặng mẹ áo len, rồi mẹ được gặp thêm nhiều bạn già, được vào Lăng viếng Bác, mẹ thấy vui lắm.

Rồi mẹ chỉ lên sân khấu, nói: Bà Mẫn dạo này nhìn gầy và yếu hơn nhiều rồi, đi lại phải phụ thuộc vào xe lăn. Ngày trước, kẻ thù chỉ nghe đến tên bà ấy là đã ngán…

Các nhân vật tại buổi giao lưu.

Bà Mẫn mà mẹ Cọt kể chuyện chính là Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Quang Mẫn, người từng được báo chí Sài Gòn năm 1958 mệnh danh là “Nữ chúa miền Tây”. Năm nay mẹ Mẫn đã bước sang tuổi 93 nhưng vẫn minh mẫn, chỉ sức khỏe là yếu đi nhiều do thời gian và di chứng những ngón đòn tra tấn trong nhà tù đế quốc. Chuyện về mẹ, về những hành động gan dạ, anh dũng của mẹ trong chiến đấu với kẻ thù, những năm tháng mẹ phải chịu tù đày và những mất mát người thân… chúng tôi đã được nghe nhiều người kể lại, nhưng hôm nay, được nghe những tâm sự từ gan ruột của mẹ càng khiến chúng tôi kính phục và ngưỡng mộ. 16 tuổi, cô gái Trần Thị Quang Mẫn đã nằng nặc xin gia đình được tham gia cách mạng. Bố mẹ cô lúc đầu cương quyết không cho, bắt nhốt lại, đốt hết quần áo để giữ cô ở nhà... nhưng cuối cùng đành phải chịu trước quyết tâm của cô.

- Vì muốn trực tiếp cầm súng giết kẻ thù, tôi đã quyết định giả trai để xin vào đơn vị chiến đấu. Cắt đầu cua, thay đổi giọng nói, tập đi đứng chân tay khuỳnh khoàng như đàn ông, bỏ chữ "Thị" trong tên đệm khi nộp hồ sơ, bắt em gái gọi mình là anh… Vậy mà tôi cũng giấu được tới 5 năm liền mới bị phát hiện. Giọng mẹ Mẫn đầy tự hào kể lại.

Không cầm súng chiến đấu trực tiếp như mẹ Mẫn, nhưng mẹ Ca Lê Du lại là một trong những người trực tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị trong Phong trào Đồng khởi tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, khiến kẻ thù khiếp sợ. Mẹ bảo: Những lần chiến đấu trực diện, kẻ thù hung hăng, tàn ác, chĩa thẳng mũi súng vào đoàn người biểu tình dọa bắn, thế nhưng lúc ấy, mẹ và mọi người không một chút sợ hãi, trong lòng chỉ ngùn ngụt lửa căm thù và uất hận chúng đã tàn sát bao người dân lành vô tội. Đến bây giờ mẹ cũng không thể nhớ nổi đã bao lần bị kẻ thù chĩa thẳng mũi súng vào người, bị bao nhiêu đòn roi của chúng, chân mẹ đã bước vào bao nhà tù, sở cảnh sát… nhưng mẹ vẫn kiên định một lòng với Đảng, cách mạng. Mạnh mẽ và kiên cường như vậy nhưng giọng mẹ chợt nghẹn lại vì dồn nén cảm xúc:

- Chỉ trong hai năm 1968 và 1970, mẹ đã mất hai người thân yêu là chồng và em trai. Nỗi đau tưởng chừng làm mẹ quỵ ngã, nhưng nghĩ đến bố mẹ, sự tàn ác của kẻ thù, mối thù mất người thân, lòng căm thù giặc lại trào dâng, không cho phép mình yếu lòng.

Nghe đến đó, tôi thấy dưới khán phòng nhiều gương mặt lặng đi vì xúc động, những đôi mắt đỏ hoe và cả những tiếng nấc nghẹn. Những người phụ nữ sức vóc mảnh mai, yếu ớt mà vô cùng mạnh mẽ, can trường trước kẻ thù, nhưng cũng rất đồng cảm và dễ xúc động trước những mất mát, hy sinh.

Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, khẳng định: “Tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm cao của phụ nữ trước vận mệnh đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc anh hùng đã tạo nên sức mạnh phi thường để các thế hệ phụ nữ Việt Nam lập nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng đất nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam”.

Sản xuất và đánh giặc đều giỏi

Cùng “chia lửa” với miền Nam đánh giặc Mỹ, một phong trào thi đua lao động sản xuất cũng diễn ra hết sức sôi nổi và rộng khắp trên miền Bắc đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động thành phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau này được Bác Hồ đổi tên thành phong trào Ba đảm đang). Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, hàng triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm hăng hái thi đua lao động sản xuất. Với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân không rời vị trí sản xuất và chiến đấu.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Lãnh đạo Tổng cục Chính trị tặng hoa các bà, các mẹ tại chương trình giao lưu.

Bà Trương Thị Len, nguyên Tổ trưởng Tổ đá nhỏ ca A, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, là một trong những người như vậy. Bà đã gửi con gái 11 tháng tuổi để ở lại nhà máy sản xuất, là người có nhiều sáng kiến đưa vào áp dụng trong lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động lên 200%, cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất. Với phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, cơ giới hóa khâu chuyển đá, Tổ đá nhỏ ca A của bà được tuyên dương là “Tổ lao động XHCN đầu tiên” của miền Bắc và đưa Nhà máy Xi măng Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất của cả nước. Bà là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần, được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng ba và Huy hiệu Bác Hồ...

Gần 70 tuổi nhưng với bà Nguyễn Thị Mười, ở xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, khí thế hừng hực, hăng say lao động sản xuất của thời tuổi trẻ cũng như phong trào "Ba đảm đang” vẫn vẹn nguyên và tươi mới. Tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, bà xung phong làm cán bộ hướng dẫn bà con về kỹ thuật, làm chủ nhiệm Hợp tác xã bèo hoa dâu Đại Xuân, tự nghiên cứu, tìm phương pháp sản xuất giống bèo hoa dâu để chủ động trong sản xuất, đồng thời trở thành "Kiện tướng bèo hoa dâu”. Bà cũng là người sớm áp dụng kỹ thuật cấy lúa mới, góp phần giảm ngày công, cây lúa phát triển thuận lợi, năng suất tăng gấp hai so với phương pháp cũ. Bà từng được mời đi hướng dẫn bà con 19 xã ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị về phương pháp cấy này.

Những người có mặt trong hội trường bị cuốn hút bởi chất giọng hào sảng của bà Hoàng Thị Mợi, Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, khi kể về chiến công bắn rơi máy bay Mỹ:

- Theo kế hoạch, chúng tôi được huấn luyện trong 11 ngày cả lý thuyết và thực hành sử dụng súng 12,7mm. Học 5 ngày rưỡi lý thuyết thì trung đội được biên chế 3 khẩu súng để sử dụng. Vậy là sáng học lý thuyết, chiều thực hành. Ngày 16-6-1967, khi trung đội đang luyện tập thì xuất hiện hai tốp máy bay từ biển Lạch Trường bay vòng vào trận địa. Khi tốp thứ hai bay vào trận địa, cự ly cách 500m, chưa kịp cắt bom, tôi hô to: “Bắt mục tiêu thứ hai. Bắn!” Ba khẩu đồng loạt nhả đạn. Chiếc máy bay A4D trúng đạn, loạng choạng lao xuống đất. Bà con đi làm đồng la to: Đội dân quân gái bắn rơi máy bay rồi… Cả trung đội reo hò vui sướng.

Những câu chuyện hào hùng của quá khứ cứ nối dài như không muốn dứt. Và tâm sự của bạn Phạm Thu Hằng, công tác tại Bộ Ngoại giao, tại buổi giao lưu cũng là những điều tâm huyết của thế hệ trẻ: “Được biết, được nghe, được gặp những tấm gương tiêu biểu tái hiện quá khứ oanh liệt, hào hùng, chúng cháu thật sự xúc động trước sự hy sinh to lớn và cũng rất đỗi tự hào về những chiến công, kỳ tích của các bà, các mẹ. Đó chính là gạch nối quá khứ tới hiện tại-hiện tại tới tương lai, giúp thế hệ trẻ soi rọi lại mình, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, viết tiếp bản hùng ca trên các lĩnh vực học tập, công tác, chiến đấu… của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Cũng trong sáng 7-3, Giải thưởng Cô-va-lép-xkai-a năm 2014 đã được trao tặng cá nhân Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và giải thưởng tập thể thuộc về nhóm tác giả đến từ Bộ môn Mô-Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương với đề tài “Nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu”. 

Bài và ảnh: KIM ANH