QĐND Online – Sáng 13-6, thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình và trả lời một số ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.

5 tháng đầu năm kinh tế nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho biết, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản còn nhiều khó khăn (gạo, cao su, cà phê, trái cây...). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, trong đó nông, lâm, thủy sản giảm 9,5% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6%. Vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình và trả lời một số ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Để tranh thủ thủ thời cơ, giải quyết khó khăn, thách thức, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp với người dân... Đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nông sản; phát triển các hình thức liên kết hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó với các rào cản kỹ thuật. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế.

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020”. Phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh kết nối cung cầu, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; nhân rộng các mô hình tốt về tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng

Đến nay, khuôn khổ pháp lý cơ bản được hình thành, đã huy động theo hình thức BOT, BT và doanh nghiệp tự đầu tư được 203 nghìn tỷ đồng cho 71 dự án đường bộ và 158 nghìn tỷ đồng cho hệ thống cảng biển, thiết bị bốc xếp. Hầu hết hệ thống cảng, bến trên đường thủy nội địa do các doanh nghiệp tự đầu tư khoảng 19 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường bộ; khoảng 44 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, bằng 43% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 13 nghìn tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bằng 40% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 56 nghìn tỷ đồng vào hệ thống cảng hàng không và khoảng 14 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ga, kho bãi, khu dịch vụ đường sắt.

Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi hơn, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.

“Cùng với đó Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thời gian nộp thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử tăng từ 65 lên 95%. Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế (có hiệu lực từ đầu năm 2015) giảm thêm 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm…

Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 và đến hết năm 2016 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.

Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội

Phó thủ tướng chỉ ra, những năm qua, tuy ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng lĩnh vực giảm nghèo vẫn tiếp tục được ưu tiên bố trí nguồn lực nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,97% vào cuối năm 2014; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, bền vững.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giảm nghèo đến năm 2020 theo hướng toàn diện hơn với chuẩn nghèo đa chiều. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư...; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2015, Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp tạo việc làm mới thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người lao động tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại và chuyển đổi nghề nghiệp...

Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo; bảo đảm an toàn lao động…

Chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và  tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm sâu sát.

“Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giám sát của Quốc hội để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

XUÂN DŨNG