Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tình hình thiếu xăng, dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung-cầu xăng, dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định.
Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng chờ tăng giá
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã đồng loạt kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, qua đó kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Theo Tổng cục QLTT, từ ngày 28-1 đến ngày 21-2, lực lượng QLTT đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn cả nước, phát hiện gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng, với nhiều lý do. Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước chủ yếu tại khu vực miền Nam; các tỉnh miền Bắc và miền Trung, việc cung ứng, kinh doanh xăng, dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ảnh: THU HÀ |
Nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh của một số cửa hàng xăng, dầu, theo Tổng cục QLTT, trước hết là do nguồn cung thiếu, không có đủ nguồn cung xăng, dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối. Cùng với đó, nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm Covid-19; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.
Về công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, khi phát hiện các cây xăng đóng cửa, treo biển không bán hàng, lực lượng QLTT kiên quyết kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao không bán; đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương rút giấy phép kinh doanh của cửa hàng xăng, dầu có hành vi vi phạm. “Lực lượng QLTT sẽ làm quyết liệt để góp phần bảo đảm ổn định thị trường xăng, dầu”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Tình hình thiếu xăng, dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết
Trước những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu phục vụ cho nền kinh tế, Bộ Công Thương khẳng định, sang tháng 3, lượng cung xăng, dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường, do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3. Tuy nhiên, lượng xăng, dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu mét khối các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2-2022 khoảng 2,39 triệu mét khối. Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu mét khối xăng, dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thêm, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 105%. Với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, hiện nhà máy đang chạy ở mức 55-60% công suất, dự kiến trong tháng 3, nhà máy này sẽ cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000m3). Các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo (nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch). “Với tình hình trên, việc thiếu xăng, dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung-cầu xăng, dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định”, ông Trần Duy Đông nhận định.
Nêu rõ hơn về tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, ông Trần Duy Đông cho biết: “Nhà máy báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5; đặc biệt, sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất”
Với yêu cầu bảo đảm đủ xăng, dầu phục vụ cho thị trường, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm những doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu ở tất cả các loại hình thương nhân nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa. Để bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới nếu diễn biến giá xăng, dầu quá cao, quá phức tạp, trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá có hạn, sẽ tính tới phương án sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng, dầu trong nước.
VŨ DUNG