Bài 1: Nhanh chóng ổn định thị trường
Thị trường xăng, dầu trên thế giới hiện đang có nhiều biến động, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, đặt ra nguy cơ thiếu hụt đáng kể nguồn cung trong nước từ tháng 3-2022. Để nhanh chóng ổn định thị trường, cần có giải pháp kịp thời để bảo đảm nguồn cung; đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gây nhiễu loạn, đầu cơ, trục lợi.
Có tình trạng găm hàng, trục lợi
Nguồn cung xăng, dầu thế giới khan hiếm và giá cả có xu hướng tăng là tất yếu bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu dẫn đến tổng cầu tăng. Cùng với đó, giá xăng, dầu trên thế giới biến động còn do cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các quốc gia, lãnh thổ sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt; có hiện tượng đứt gãy nguồn cung xăng, dầu do dứt gãy cung ứng lao động, vật tư, sản lượng khai thác do đại dịch Covid-19; các quốc gia đều tung các gói kích cầu, phục hồi kinh tế dẫn đến tình trạng lạm phát.
Ở Việt Nam, nguồn cung và giá xăng, dầu cũng không nằm ngoài biến động thế giới. Cùng với đó, còn chịu ảnh hưởng do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng, dầu tại Việt Nam) đang gặp khó khăn về tài chính dẫn đến hủy mua các chuyến dầu thô và giảm công suất nhà máy so với kế hoạch. Bên cạnh đó, theo nhận định của Bộ Công Thương, có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.
Khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho thấy, những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tìm nhiều lý do xin đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt, bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an. Hiện tượng này rải rác ở một số địa phương nhưng có thể trở nên phổ biến nếu không có những hành động quyết liệt, kiên quyết. Báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho thấy, từ ngày 28-1-2022 đến nay, tại một số địa phương Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh... lực lượng QLTT đã phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân, như: Không đủ nguồn cung, nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng hoặc tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Có trường hợp vì chiết khấu thấp, doanh nghiệp (DN) lỗ chi phí nên xin tạm dừng hoạt động.
Thừa nhận về thực trạng này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Qua kiểm tra phát hiện trên địa bàn có 25 cửa hàng xăng, dầu nghỉ bán từ mồng Một đến mồng 5 Tết (các cửa hàng này lấy lý do nhân viên nghỉ tết, chiết khấu thấp, nguồn cung chưa ổn định, giá thế giới tăng cao trong khi giá bán trong nước thấp mà lại chưa điều chỉnh do trùng ngày nghỉ Tết...). Đến ngày 7-2, hầu hết các cửa hàng đã hoạt động trở lại và bán hết xăng, dầu tại cửa hàng, không nhập thêm do giá nhập cao, giá bán thấp.
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu tại Tiền Giang. Ảnh: GIANG QUYÊN. |
Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Lắc cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 340 DN kinh doanh xăng, dầu và có 457 cửa hàng xăng, dầu. Thời điểm hiện nay có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết xăng, dầu, không còn nguồn để bán. Trong thời tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường, kiểm tra giám sát để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng, dầu. Nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng, tăng giá, sẽ xử lý nghiêm. Là một trong những địa bàn trọng điểm phía Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, đến nay, toàn thành phố chỉ ghi nhận 2/548 cửa hàng xăng, dầu đang sửa chữa nên đóng cửa. Tuy vậy, bà Thắng cũng cho biết, các DN trên địa bàn thực chất cũng khó khăn về nguồn cung.
Nguồn cung trong nước đến nay vẫn bảo đảm
Dù thừa nhận một số địa phương phía Nam có hiện tượng một số cửa hàng xăng, dầu ngừng bán với lý do thiếu nguồn cung, song ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguồn cung trong nước đến nay vẫn bảo đảm. Ông Đông dẫn chứng, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu mét khối xăng, dầu các loại/tháng, nguồn cung xăng, dầu cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022. Từ tháng 3-2022, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng, đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng, dầu; trong thời gian trước mắt vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. “Tuy nhiên, đến tháng 5-2022 chưa biết được tình hình sẽ như thế nào, do vậy cần có những giải pháp tổng thể”, ông Bùi Ngọc Bảo thông tin.
Từ góc độ là đơn vị đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng, khan hiếm xăng, dầu là hiện tượng mang tính cá biệt. Tất cả các cửa hàng xăng, dầu thuộc hệ thống Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn hoạt động bình thường và vẫn bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng khẳng định, nguồn cung của DN hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước. Dẫn chứng là tháng 1-2022, nguồn xăng, dầu cung cấp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng so với cam kết hợp đồng là 18%. Cùng với đó, tập đoàn cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất từ 105% lên mức tối đa là 108%; chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam tăng công suất tối đa pha chế từ nguồn; xây dựng kế hoạch nhập 70.000m3 xăng, dầu. Dự kiến, ngày 22-2 tới đây, lượng xăng, dầu này sẽ về đến Việt Nam.
Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trong nước trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán và cả năm 2022, khi các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại và đang trong quá trình phục hồi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, sở công thương các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với lực lượng QLTT tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng, dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng, dầu, có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Các cục QLTT chủ trì, phối hợp với sở công thương địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất 1-2 ngày/lần để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tổng kiểm tra, rà soát việc cung ứng xăng, dầu của các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Yêu cầu các DN thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng, dầu, có kế hoạch nhập hàng (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục xăng, dầu cho thị trường; trường hợp các DN không tuân thủ quy định, kiên quyết đình chỉ hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc tước giấy phép kinh doanh.
(còn nữa)
MẠNH HƯNG - VŨ DUNG