QĐND - Ngày 7-6, tại Hà Nội, 70 chuyên gia, trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đã tham gia Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Diễn đàn “Sáng kiến Việt Nam” tổ chức. Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã “bắt bệnh” nền kinh tế Việt Nam và “hiến kế” trong nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới công nghệ, giáo dục, đào tạo....) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.
Củng cố khả năng “đề kháng” của nền kinh tế với những “cú sốc”
Theo GS Nguyễn Đức Khương, Đại học Pa-ri, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những “cú sốc” đến từ nội bộ nền kinh tế cũng như từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, Việt Nam không có cách nào khác là phải tham gia vào “cuộc chơi có tính bắt buộc” của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó. Tạo dựng, củng cố lòng tin lâu dài của các nhà đầu tư; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; xây dựng văn hóa đầu tư và quản trị doanh nghiệp, là những giải pháp mà ông đề xuất.
 |
Quang cảnh Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”. |
GS Khương cho biết, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam với nhiều cơ hội đầu tư sinh lời cao, nhưng e ngại khi đầu tư vào vì mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, điều họ quan tâm hơn chính là tính minh bạch của môi trường tài chính vĩ mô và môi trường pháp lý. Để tạo dựng và củng cố được lòng tin lâu dài của nhà đầu tư, theo GS Khương, các cơ quan chức năng cần bảo đảm môi trường pháp lý thể hiện rõ việc bảo đảm quyền sở hữu, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, tính thực thi của các hợp đồng pháp lý. Mặc dù quá trình tái cơ cấu đã đem lại những ổn định bước đầu cho hệ thống ngân hàng, nhưng để hội nhập tốt trong các hoạt động tài chính quốc tế (thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương) thì các tiêu chuẩn quản lý rủi ro quốc tế (Công ước Basel) cần phải được nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Đặc biệt theo giáo sư, Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán thông qua các báo cáo tài chính bắt buộc và các báo cáo tự nguyện, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Xử phạt tài chính phải có tính răn đe, mức phạt phải lớn hơn phần lợi có được từ sự vi phạm. Danh mục các hành vi gian lận xử lý cũng có thể coi là một thông số cho phép đánh giá sự minh bạch của thị trường. GS Khương cho biết, trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện không thấy có vụ việc nào. Một ví dụ so sánh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Ủy ban chứng khoán ở Pháp (AMF) đã có quyết định xử lý 9 vụ việc và 24 vụ năm 2014.
Chia sẻ quan điểm với GS Khương, TS Nguyễn Minh Hà, thành viên Nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Thế giới, kiều bào Mỹ, đã đặt ra khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động tới các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không loại trừ. Theo ông, ở một mức độ nào đó, quá trình này thực ra đã bắt đầu. Đồng đô-la tăng cao, lãi suất trái phiếu dài hạn đang giảm dần, giá cả nguyên liệu đang rơi tự do và tỷ giá của các đồng tiền chính đang đánh đu dữ dội. Việc FED tăng lãi suất sẽ đẩy nhanh quá trình này. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đối với Việt Nam, khi mà chúng ta đã hội nhập toàn cầu. “Việt Nam cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất vì nếu chuẩn bị kém, một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam lùi lại 5 đến 10 năm nữa. Các vấn đề như nợ xấu của các ngân hàng cần phải được giải quyết. Chúng ta cần phải củng cố dự trữ ngoại hối. Cải cách cơ cấu là rất cần thiết để làm cho nền kinh tế cạnh tranh hơn trong thời điểm khó khăn phía trước”.
Ngân hàng Việt Nam cần chuẩn bị gì cho hội nhập?
Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia có nhiều đóng góp tích cực cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị của ngành ngân hàng Việt Nam cho hội nhập đang trở nên cấp thiết. Theo ông, ở tầm vĩ mô, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, theo đó số lượng ngân hàng thương mại của Việt Nam cần phải rút xuống khoảng 15 ngân hàng, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các ngân hàng không chỉ tập trung vào số lượng mà về thực chất, các ngân hàng phải được cải tổ về cách quản trị điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước quốc tế, tiếp cận Basel trong vòng 2 đến 3 năm tới. TS Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên mau chóng đưa ra những quy định cụ thể về quản lý rủi ro và áp dụng một lộ trình cho các ngân hàng nhanh chóng thực hiện, trễ nhất là cuối năm nay.
“Việc hội nhập quốc tế là một cuộc chơi mới cho các ngân hàng Việt Nam. Trong quá khứ cũng như hiện tại, các ngân hàng trong nước được bảo vệ qua các rào cản pháp lý và kỹ thuật. Nhưng với các hiệp định quốc tế tự do hóa thương mại sắp tới mà Việt Nam tham gia, những biện pháp phòng thủ này sẽ dần được gỡ bỏ và các ngân hàng sẽ phải tự tồn tại với chính năng lực của mình. Thời điểm này đang đến rất gần”, TS Hiếu cảnh báo.
“Bảo đảm chất lượng cao xuyên suốt từ nông trại đến bàn ăn”
Về tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Trưởng khoa Ứng dụng, Đại học RMIT, Ô-xtrây-li-a cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam cần chú trọng sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chất lượng cao “xuyên suốt từ nông trại đến bàn ăn”. TS Vọng đánh giá, thu hoạch, sau thu hoạch và chế biến là 3 khâu yếu nhất trong chuỗi ngành hàng nông sản của Việt Nam. Nếu Việt Nam cũng đầu tư đồng bộ vào chuỗi ngành hàng lúa gạo như vậy thì với sản lượng 45 triệu tấn thóc (năm 2014), Việt Nam đã đạt 45 tỷ USD như Ô-xtrây-li-a, chứ không phải chỉ 11 tỷ USD như FAO đánh giá.
GS, TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Những ý kiến của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn này là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Những ý kiến này sẽ được tập hợp lại và trình lên các cơ quan chức năng để đóng góp cho quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
|
Ông cho biết, năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN đã bước vào giai đoạn triển khai thực hiện, theo đó đã bắt đầu cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế. Các mặt hàng nông sản Việt Nam như vậy sẽ được xuất khẩu vào các nước thành viên ASEAN, nơi có thị trường rộng lớn. Có vẻ như cơ hội xuất khẩu lớn đang chào đón Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy hình như không phải như vậy vì thực tế chất lượng gạo Thái Lan thậm chí còn ưu việt hơn gạo Việt Nam, chuối Phi-líp-pin đẹp và bảo quản tốt hơn Việt Nam, cà phê, ca cao của In-đô-nê-xi-a có chất lượng đồng đều hơn Việt Nam và giống và hạt giống của Nhật Bản vẫn bỏ xa Việt Nam về chất lượng.
Trước thực tế đó, TS Vọng đánh giá cơ hội hội nhập vào thị trường ASEAN trở thành thách thức rất lớn, không dễ vượt qua vì hiện nay phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đều hướng tới sản phẩm thô, bản thân các doanh nghiệp lại không chủ động được thị trường. Các dòng thuế quan được gỡ bỏ đúng là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể vươn xa, nhưng đồng thời cũng là lực hút đối với nông sản nước ngoài.
Vì vậy, để đột phá, nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất, đó là sử dụng chính sách nông nghiệp/đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Có như vậy mới tạo ra động lực để người nông dân và các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường và thích nghi với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của kỷ nguyên hội nhập.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH