QĐND Online – Sáng 20-9, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu, tọa đàm giữa các bệnh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học về các vấn đề liên quan đến chẩn đoán, theo dõi, điều trị và những thành công trong việc ứng dụng tiến bộ mới trong điều trị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt.

GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương gặp gỡ các bệnh nhân

Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt là một bệnh ác tính, gặp ở cả nam và nữ. Bệnh sinh ra do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22 nên thế giới đã lấy ngày 22-9 là ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt  thế giới. Trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 300.000 bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 100- 120 bệnh nhân mới mắc bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Mặc dù số lượng bệnh nhân không lớn nhưng cũng là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình, xã hội và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của một phần nhỏ dân tộc Việt Nam.

Có nhiều phương pháp điều trị Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt đang được áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai phương pháp được lựa chọn hàng đầu là điều trị nhắm đích và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại.

Với phương pháp điều trị nhắm đích là phương pháp dùng thuốc sửa chữa đột biến di truyền trong bệnh Lơ xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại cho đến nay, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã triển khai được 9 trường hợp. Trong đó có những bệnh nhân đã đẩy lui được hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường.

Từ năm 2009, Bộ Y tế đã có Quyết định triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec (Imatinib) điều trị bệnh nhân Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt tại 4 cơ sở y tế: Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP Hồ Chí Minh, Bệnh viên U bướu TP Hồ Chí Minh. Năm 2011, có thêm 3 cơ sở y tế được triển khai chương trình này. Đó là Bệnh viên: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế. Tính đến tháng 6-2014, đã có 777 bệnh nhân được điều trị theo chương này với tổng chi phí khoảng 450 triệu/người/năm (trong đó bảo hiểm chi trả 150 triệu).

Tin, ảnh: THU HƯƠNG