QĐND Online – Sáng 26-5, trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) (sửa đổi) trách nhiệm của KTNN được nhiều đại biểu cho ý kiến vì cho rằng, quy định về trách nhiệm KTNN chưa tương xứng với quyền và nhiệm vụ của KTNN…
Chưa rõ trách nhiệm của KTNN
Đánh giá cao giải trình tiếp thu của Ban soạn thảo, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo luận nhận thấy trách nhiệm của KTNN còn chưa rõ. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) chỉ ra, khi quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của KTNN, dự thảo đã thiên về quyền KTNN hơn là trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức này.
 |
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) phát biểu ý kiến.
|
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, KTNN có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn. Nhưng trong dự thảo luật tăng quyền hạn nhiều mà trách nhiệm tăng chưa tương xứng. Kiểm toán xong, đơn vị được kiểm toán bị bắt thì kiểm toán lại không có trách nhiệm gì, đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ. Đại biểu Thuyền dẫn chứng về việc Công ty xổ số tỉnh Lâm Đồng năm nào cũng kiểm toán nhưng đến khi cơ quan điều tra vào mới phát hiện sai phạm. Khi khởi tố, bắt giam thì KTNN có được xem là đồng phạm không? Đại biểu cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn lớn thì phải gắn với trách nhiệm nên Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ để quy định trách nhiệm rõ ràng.
Đồng quan điểm cần làm rõ trách nhiệm của KTNN, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) dẫn chứng về quy định “đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng KTNN về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán đó là trái pháp luật gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị” chỉ có quy định tiếp nhận thôi chứ chưa có quy định trách nhiệm trong bao nhiêu ngày phải trả lời, giải quyết.
Trong phiên thảo luận nhiều đại biểu đã góp ý vào quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN. Nhiều ý kiến đề nghị, quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; một số ý kiến đề nghị, giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm như dự thảo.
Đại biểu Vương Đình Huệ (đoàn Bình Định), đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) và một số đại biểu cho rằng, quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN 7 năm là bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, thông lệ quốc tế; đồng thời, thực tiễn thực thi Luật KTNN trong những năm qua cho thấy quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN không phát sinh vướng mắc, đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã yêu cầu Ban soạn thảo trong phần giải thích từ ngữ cần rà soát lại để quy định phù hợp hơn. Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng), đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) chỉ ra, khái niệm tài chính công và tài sản công trong dự thảo luật là chưa rõ và chưa phù hợp, có thể gây hiểu nhầm và áp dụng không đúng trong thực tế. Các đại biểu đề nghị cần rà soát lại các từ ngữ và các luật có liên quan để quy định cho chính xác, hợp lý hơn.
Khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công
Sáng 26-5, Chính phủ đã trình trước Quốc hội Dự án Luật Phí và lệ phí. Dự thảo Luật Phí và lệ phí gồm 6 Chương, 23 Điều và dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017.
Theo Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do cả Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Chính phủ trình Quốc hội quy định phạm vi của Luật theo hướng: Luật này quy định Danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.
Theo Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí. Thực tế, trong thời gian qua, đã có gần 20 khoản phí, lệ phí được ban hành tại các Luật chuyên ngành.
Cùng với đó, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều Luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành. Trong đó, sẽ phát sinh thêm các dịch vụ cần quy định thu phí, lệ phí (ngoài các khoản đã quy định trong Danh mục kèm Luật Phí và lệ phí) mà hiện nay chưa thể lường hết.
Để đảm bảo thống nhất hệ thống chính sách pháp luật về phí, lệ phí, Chính phủ trình Quốc hội quy định về áp dụng Luật Phí và lệ phí, các luật có liên quan và điều ước quốc tế. Theo đó: “Trường hợp luật khác có quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của Luật này; Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó”.
XUÂN DŨNG