Khoảng 5 giờ sáng 20-7, chợ Hạnh Thông Tây, phường 11, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã mở cửa. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, chợ được tổ chức bên ngoài có mái che, không gian thoáng mát. Gian hàng của các tiểu thương cũng được bày bán cách xa nhau. Phía bên ngoài cổng chợ, Ban quản lý tổ chức lực lượng hướng dẫn người dân khai báo y tế và xếp hàng vào mua hàng trật tự. Hàng hóa được bày bán tại chợ chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu: Rau xanh, củ, quả, thịt, trứng, cá, đậu phụ… Mỗi người dân đến mua hàng đều xếp hàng bảo đảm giãn cách, khai báo y tế, sát khuẩn tay, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế về PCD Covid-19. Lượng khách đến chợ luôn có khoảng 8-10 người.
 |
Sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Mua bó rau muống với giá 20.000 đồng/kg, 10 quả trứng giá 30.000 đồng, ông Lê Sỹ Hải, ngụ phường 11, quận Gò Vấp cho hay: "Giá cả các mặt hàng tại đây giá có rẻ hơn so với tại các điểm bán hàng lén, bán chui tại các tuyến đường trong khu dân cư; chợ có không gian thoáng, sạch sẽ, nên tôi yên tâm mua hàng. Từ nay, gia đình tôi không phải lo lắng tìm mua rau xanh từng bữa với giá cả đắt đỏ như trước nữa".
 |
Người dân mua thực phẩm thiết yếu tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Khảo sát nhiều người dân đến chợ, chúng tôi ghi nhận hầu hết người dân đều hài lòng, phấn khởi với chủ trương mở lại các điểm bán hàng tại chợ truyền thống. Thực tế, hơn 70% người dân thành phố luôn có thói quen mua hàng tại chợ truyền thống.
Ông Võ Văn Tư, Phó ban Quản lý chợ Hạnh Thông Tây cho biết: Quán triệt chỉ đạo của Sở Công thương thành phố, trước đó, ban quản lý đã chủ động vệ sinh, rà soát, bố trí vị trí bán hàng bảo đảm an toàn PCD Covid-19. Các tiểu thương đều được xét nghiệm âm tính với Covid-19 và cam kết đăng ký bán hàng có nguồn gốc, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 |
Người dân mua thực phẩm thiết yếu tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, trước đó, Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ cụ thể vừa bảo đảm PCD vừa linh hoạt cung cấp kịp thời mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Đây là vấn đề hết sức cần thiết, bảo đảm kết nối lưu thông hàng hóa, phục vụ người dân. Bởi sau thời gian tạm dừng hoạt động để PCD Covid-19, việc cung cấp nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân tập trung vào kênh phân phối hiện đại, khiến lượng người tập trung đông, ảnh hưởng đến công tác PCD, giá cả cũng có điểm không ổn định.
 |
Người dân mua thực phẩm thiết yếu tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Triển khai thực hiện, ngành chức năng tăng cường nắm bắt, theo dõi thị trường, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm giá bán, sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chủ động tổ chức rà soát, đánh giá chợ truyền thống trên địa bàn mình từ đó có biện pháp tổ chức thực hiện bảo đảm quy định PCD, phục vụ tốt người dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam cũng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy để bảo đảm nguồn hàng, thành phố đã chủ động kết nối với các địa phương, tổ chức nhiều hình thức chuyển hàng về thành phố, đồng thời đẩy mạnh tăng năng suất các loại cây trồng về rau, củ, quả ở các huyện ngoại thành, góp phần bảo đảm tốt một phần tại chỗ lượng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.
Bài, ảnh: DUY HIỂN