Trong đó, hệ thống giao thông thông minh điều khiển “làn sóng xanh”, mô phỏng dự báo giao thông, xử phạt qua camera, giảm ùn tắc được thành phố nhân rộng. “Làn sóng xanh” (được hiểu là một chuỗi đèn xanh) giúp các phương tiện di chuyển nhanh nhất có thể trong một khu vực, giải quyết ùn ứ vào giờ cao điểm.

Hiện nay, đèn tín hiệu giao thông ở trung tâm thành phố như các quận: 1, 3, 5, trục đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt đã được kết nối về trung tâm điều khiển và được điều hành thông qua một hệ thống thông minh. Trung tâm sẽ đo đếm lượng phương tiện, vận tốc, sau đó lên kịch bản di chuyển cho từng nút giao thông và cả khu vực. Chẳng hạn, để lựa chọn kịch bản “làn sóng xanh” cho những tuyến đường ưu tiên như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Trương Định, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ... hệ thống sẽ phân tích từ lưu lượng, vận tốc trung bình và mật độ phương tiện để giúp người điều khiển di chuyển thuận lợi qua các nút giao thông liên tục mà không gặp đèn đỏ.

leftcenterrightdel
Trung tâm điều hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên toàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỖ LOAN 

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, với hệ thống giao thông thông minh đã cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như: Thời gian chu kỳ đèn tín hiệu, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh... để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi thực tế theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng. Với kịch bản điều khiển “làn sóng xanh”, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35km/giờ sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện thông thoáng.

Với mật độ giao thông đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao là điều cần thiết để điều phối luồng di chuyển. Mô hình tổ chức giao thông “làn sóng xanh” trong các tuyến đường trung tâm của thành phố đã được học tập, tham chiếu từ những nước phát triển. Trong Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố đưa ra tiêu chí tất cả vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông đều phải thông minh. Trong đó, việc sử dụng dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân và tổ chức, đơn vị lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp. Theo dự báo, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt hơn 41 triệu lượt đi lại/ngày sẽ gây áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nếu phát huy tốt mô hình “làn sóng xanh” thì thành phố sẽ giảm bớt áp lực về tổ chức giao thông đô thị, tập trung nguồn lực tốt hơn cho phát triển kinh tế-xã hội.

LÊ TRẦN