QĐND - Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho thị trường nông sản và sự sụt giảm của lượng khách du lịch đến Việt Nam là vấn đề nổi cộm, được Chính phủ tập trung, dành nhiều thời gian thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Phiên họp được tiến hành ngày 27-5, với sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Tìm thị trường cho nông dân
Thời gian qua, tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân các khu vực này. Theo đánh giá, đây là đợt hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Cùng với đó, những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho thị trường nông sản cũng khiến nông dân ở nhiều địa phương nhiều phen lao đao, đặc biệt là khi giá cả hàng hóa xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất nhưng thương lái vẫn không đến thu mua. Tất cả những điều đó đều được Chính phủ thảo luận rất kỹ lưỡng để chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong từng khâu, của từng bộ, ngành, địa phương nhằm tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân.
Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân. Các cơ quan phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ Công Thương cần nghiên cứu đánh giá tình hình xuất khẩu suy giảm của khu vực kinh tế trong nước để kịp thời có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
 |
Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NGỌC HÀ. |
Trong buổi họp báo được tổ chức ngay sau khi Phiên họp Chính phủ thường kỳ kết thúc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo kết quả thống kê, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản có sự giảm sút. Đó là do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường chính của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: Không phải đến bây giờ chúng ta mới bàn các giải pháp cụ thể”, mà Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ tới từng đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để tìm giải pháp từ rất lâu. Trong đó, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị ký kết hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các mặt hàng của Việt Nam, bao gồm cả nông sản, thủy sản. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, bạn bè quốc tế, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cũng cố gắng thực hiện nhiều giải pháp nhằm xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu.
Lấy ví dụ về quả vải thiều, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, năm 2014 là năm điển hình của tiêu thụ vải thiều khi nông dân vừa được mùa, vừa được giá. Giải pháp của năm ngoái là đẩy mạnh thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác, không chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc như trước đây. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đã thúc đẩy phát triển cả thị trường tiêu thụ trong nước, trong đó có thị trường các tỉnh phía Nam. Năm nay, Bộ Công Thương đã bàn thảo với các địa phương trồng nhiều vải thiều, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để khi vào mùa vải sẽ đưa ngay vào đó tiêu thụ…
Gỡ khó cho du lịch
Theo kết quả thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt gần 3,3 triệu lượt, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là vấn đề lớn, bởi du lịch là ngành dịch vụ mũi nhọn của cả nước nói chung và của nhiều địa phương nói riêng. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, trong đó có đề nghị tạo thuận lợi hơn cho du khách trong việc cấp thị thực (visa), thành lập Quỹ Phát triển du lịch.
Theo tính toán của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện đang miễn thị thực cho khách du lịch đến từ 16 nước và tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến từ nhiều nước này cao hơn bình quân tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam.
Sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch. Chính phủ cũng nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình.
Cùng với 2 giải pháp cơ bản nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan tham mưu về việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục yếu kém của các ngành, các cấp, các địa phương và tìm giải pháp khắc phục, sao cho phát triển du lịch phải gắn liền với phát triển văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch hiện có. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, để khách du lịch đã đến Việt Nam muốn quay trở lại Việt Nam…
Đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực
Cũng tại Phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 và một số báo cáo quan trọng khác.
Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của nước ta tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20-5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%...
Phát biểu trước Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của nước ta tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được khi tình hình thế giới còn khó khăn, diễn biến khó lường, mà cần tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu năm 2015 đã trình Trung ương, Quốc hội.
THÙY LÂM