QĐND - Dù khẳng định đồng tình với hầu hết nội dung giải trình tiếp thu, chỉnh lý đối với 2 dự thảo luật-Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tâm huyết hiến kế thêm nhiều giải pháp để 2 dự thảo luật hoàn thiện hơn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp…

Chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu

Câu chuyện “quyền hạn được nêu rất chi tiết, đầy đủ, nhưng trách nhiệm lại chung chung, không rõ ràng” được nhắc tới nhiều lần mỗi khi Quốc hội bàn về các luật tổ chức, hay các luật có liên quan tới lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, một lần nữa lại được nhắc tới khi Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), sáng 1-6. Các đại biểu cho rằng, việc cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là vấn đề được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu ý kiến, dự thảo quy định, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chủ tịch nước, như vậy thì trách nhiệm của Thủ tướng “là quá nhỏ”, trong khi quyền hạn của Thủ tướng được nêu lại rất lớn. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được Quốc hội giao; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và lãng phí; trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, chứ không phải chỉ đơn giản là báo cáo…

Chuyển thắc mắc của cử tri, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhấn mạnh, quy định như trong dự thảo luật cho thấy quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng chưa tương xứng với nhau. Nhắc lại vụ việc xảy ra tại Vinashin, đại biểu nêu câu hỏi, vụ việc ấy đã được rút kinh nghiệm để quy định trách nhiệm khi xảy ra những vụ việc tương tự như thế nào?

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phát biểu tại hội trường, sáng 1-6.

Dẫn thực tiễn tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, cử tri luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ đó, đại biểu kiến nghị quy định thêm trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế-xã hội. Cụ thể hơn, cần bổ sung vào luật, định kỳ 6 tháng hoặc hằng năm, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước Quốc hội để nhân dân biết, nhân dân kiểm tra và nhân dân giám sát.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nêu thắc mắc về việc Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần đầu có quy định tương đối rõ về chế độ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, nhưng đến dự thảo lần này thì trách nhiệm của người đứng đầu không còn được đề cập đến nữa. Theo đại biểu, nêu rõ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu chính là việc thực hiện bổn phận, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đề cao hơn nữa trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Về lâu dài, quy định trách nhiệm người đứng đầu là cơ sở pháp lý để từng bước hoàn thiện, phân định rạch ròi tiêu chí, định mức, việc nào do tập thể chịu trách nhiệm, việc nào do cá nhân người đứng đầu chịu trách nhiệm để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, vận hành bộ máy được tốt hơn.

Đồng tình với đại biểu Triệu Là Pham, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói, việc quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu còn liên quan tới chuyện lựa chọn và sử dụng người tài. Nếu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thì họ sẽ phải lựa chọn những người có đức, có tài đưa vào bộ máy.

Tránh tính hình thức trong hoạt động của HĐND

Phiên thảo luận buổi chiều 1-6 kết thúc với 21 đại biểu phát biểu tại hội trường và còn khoảng 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Điều đó cho thấy, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình nào và làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương là mối quan tâm rất lớn của các đại biểu nói riêng cũng như cử tri và nhân dân cả nước nói chung.

Hầu hết đại biểu phát biểu tại hội trường đều ủng hộ mô hình tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính, bao gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND). Các đại biểu cho rằng, mô hình tổ chức này đáp ứng được yêu cầu phát huy quyền làm chủ của người dân, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri, thể hiện Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đồng tình rằng, hoạt động của HĐND thời gian qua còn nặng tính hình thức và điều này cần phải được thay đổi một cách căn bản.

Để tránh tính hình thức trong hoạt động của HĐND cấp huyện, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, cần tách văn phòng HĐND và văn phòng UBND thành 2 loại cơ quan độc lập. Đại biểu giải thích, theo quy định hiện hành, văn phòng HĐND cấp huyện nằm trong văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Văn phòng này do chủ tịch UBND cấp huyện quyết định từ việc thành lập đến tổ chức bộ máy, đề bạt, bổ nhiệm, phân công trách nhiệm… Với cơ chế đó, văn phòng rất khó để tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp huyện, đặc biệt là tham mưu về việc giám sát và phản biện lại hoạt động của UBND cấp huyện-cơ quan chủ quản của văn phòng HĐND và UBND. Từ đó, đại biểu đề nghị tách văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp huyện riêng trên nguyên tắc không làm tăng thêm biên chế. Bộ Nội vụ cần rà soát, nghiên cứu lại từng vị trí việc làm để bảo đảm khi tách văn phòng không những không làm tăng thêm, mà còn giảm đi một số biên chế.

Với suy nghĩ, HĐND hoạt động còn hình thức không phải là do đại biểu, mà do HĐND chưa được trao những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị: “Dự thảo luật cần xác lập rõ hiệu lực pháp luật của các quyết định, nghị quyết của HĐND và kết luận, nghị quyết về giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện đối với UBND, các cơ quan thuộc UBND, chính quyền cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương. Xác định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm, cá nhân chịu trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của HĐND”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong khi đó, thời gian qua, đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy nhưng, số lượng đại biểu chuyên trách theo dự thảo luật dường như không có sự thay đổi, ngay cả chức danh trưởng các ban của HĐND cũng được quy định “có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách”. Vì vậy, đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp tỉnh ít nhất 30%, cấp huyện ít nhất 20% và cấp xã ít nhất 15%.

Trái ngược với luồng ý kiến chung của đa số các đại biểu phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đánh giá, hiệu quả hoạt động của HĐND không phụ thuộc vào số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nhiều hay ít, mà quan trọng là “có cơ chế hoạt động phù hợp, các đại biểu có năng lực, trình độ và đặc biệt là nhiệt tình, có trách nhiệm cao với tư cách đại biểu của mình, là người thay mặt cho cử tri và nhân dân mà hoạt động”. Đại biểu tính toán, nếu thành lập thêm từ 2 đến 3 ban ở mỗi huyện thì với 700 huyện sẽ tăng thêm ít nhất 1.400 biên chế. Nếu mỗi xã có thêm ít nhất 1 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là phó chủ tịch HĐND thì với 11.000 xã, số biên chế sẽ tăng thêm là 11.000. Như vậy, số lượng biên chế tăng thêm từ việc tổ chức lại các cấp chính quyền địa phương sẽ rất lớn, chưa kể số lượng biên chế tăng thêm do điều chỉnh các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, do tổ chức lại các cơ quan trong hệ thống tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua. Do vậy, đại biểu đề xuất không bố trí thêm đại biểu HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách, vì việc thành lập thêm 2 ban của HĐND cấp xã đã đủ điều kiện để HĐND cấp xã hoạt động.

Ngoại trừ những vấn đề cụ thể còn có những ý kiến khác nhau, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý với cả 2 dự thảo luật. Đây là 2 dự thảo luật quan trọng cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước. Dự kiến, 2 dự thảo luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ chín này.

CHIẾN THẮNG