Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bristol (Vương quốc Anh) và Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó, ngành sản xuất công nghiệp khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030, nếu có sự trợ giúp của quốc tế sẽ đạt tỷ lệ giảm 30% so với mức hiện tại.

leftcenterrightdel

Để xây dựng thị trường tín chỉ carbon, TP Hồ Chí Minh cần các giải pháp mang tính chiến lược. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai một số chương trình dự án ứng phó, giải quyết thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu nhưng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi đầu, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, thành phố đang thực hiện các chương trình nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế trong xây dựng thị trường tín chỉ carbon, thực hiện thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon từ đầu tháng 8-2023, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch...

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, TP Hồ Chí Minh cần các giải pháp mang tính chiến lược, xây dựng những quy chuẩn, hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chuyển đổi xanh theo lộ trình hợp lý, gắn với tiến độ, mục tiêu đề ra. TP Hồ Chí Minh có các lợi thế là trung tâm tài chính lớn của cả nước, nơi tập trung các hoạt động chuyển đổi công nghệ, sáng tạo diễn ra mạnh mẽ, năng động, có các tập đoàn công nghệ lớn, có tính lan tỏa nên có thể xây dựng thị trường tín dụng xanh.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở, điều kiện xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ các dự án xanh; huy động các nguồn lực bằng các chính sách kêu gọi đầu tư, chuẩn hóa về các quy định, hành lang pháp lý để kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực; từng bước xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: Xanh hóa và số hóa; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường...

Bên cạnh đó, cần chú trọng giảm phát thải khí carbon ở các ngành, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải carbon lớn như sản xuất công nghiệp, giao thông...; gắn mục tiêu này với các dự án đầu tư công thông qua việc ưu tiên áp dụng các công nghệ sạch, ít phát thải khí nhà kính. Thành phố cần xây dựng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh, trợ cấp đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, hỗ trợ chi phí giao dịch cho tổ chức phát hành trái phiếu xanh; chú trọng thu hút nguồn vốn tín dụng xanh quốc tế thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu xanh đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác quốc tế... Thực hiện thành công chuyển đổi xanh, xây dựng được thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp TP Hồ Chí Minh huy động được nguồn vốn cho các dự án xanh mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, môi trường sống, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững.

TRUNG KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.