QĐND Online – Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng đề tài nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” gây lãng phí nguồn lực của đất nước…

Đẩy mạnh thị trường KHCN

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đặt câu hỏi, vì sao đến nay nước ta chưa có thị trường KHCN, phải chăng cơ chế phân bổ đề tài, phân bổ kinh phí KHCN là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường KHCN chậm ra đời? Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì trong vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thị trường KHCN là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Sau năm 2000 mới bắt tay vào xây dựng thị trường này. Trong thị trường này có 4 yếu tố, nhưng trước đây Việt Nam chỉ quan tâm 2 yếu tố: Nguồn cung và cầu KHCN. Nguồn cung chính là các sản phẩm nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân. Cầu công nghệ là cầu của các doanh nghiệp. Còn 2 yếu tố nữa chúng ta chưa quan tâm thỏa đáng là định chế trung gian trong thị trường KHCN và môi trường pháp lý của thị trường KHCN. Bộ trưởng cho biết: Trong những năm gần đây, Bộ KHCN đã nỗ lực xây dựng môi trường pháp lý. Đến nay cơ bản môi trường pháp lý cho KHCN đã hoàn thiện, nhưng các định chế trung gian vẫn còn rất yếu kém.

Thực tiễn các nhà khoa học không đến được với các nhà doanh nghiệp, các nghiên cứu không đến được sản xuất, kinh doanh một trong các nguyên nhân là do không có định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường KHCN, như: Các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định… “Chính vì thế mà các nhà khoa học không tìm được các địa chỉ ứng dụng kết quả của mình còn các doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải đi tìm KHCN nhập khẩu từ nước ngoài. Chúng ta cần đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian” - Bộ trưởng kết luận.

“Tất nhiên, hiện nay do khó khăn biên chế và ngân sách việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường KHCN công lập hết sức khó khăn, trong khi tư nhân chưa thực sự quan tâm lĩnh vực này” Bộ trưởng thừa nhận.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức đây là trách nhiệm của Bộ KHCN, cá nhân Bộ trưởng trong 10 năm qua, chúng tôi cũng chưa làm được nhiều trong việc thành lập ra định chế trung gian để hoàn thiện 4 khâu của TTKHCN. Trong một vài năm tới chúng tôi sẽ tập trung cho khâu yếu nhất này để thị trường KHCN sớm vận hành hiệu quả” - Bộ trưởng Nguyễn Quân hứa.

Giải pháp cho “đề tài xếp ngăn kéo”

Trước thực trạng hiện nay còn rất khiêm tốn, nhưng mỗi năm, ngân sách Nhà nước (NSNN) dành khoảng 1.300 tỷ đồng cho các công trình nghiên cứu khoa học, Luật KHCN cũng được Quốc hội thông qua nhưng tình trạng đề tài nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” là khá phổ biến, tỷ lệ kết quả nghiên cứu ứng dụng thực tế rất thấp, còn chưa được công khai gây lãng phí lớn. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đưa ra chất vấn: “Cử tri đặt câu hỏi có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? có phải do chúng ta đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? có hay không cơ chế xin cho, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm, đến bao giờ thì tình trạng này cơ bản được khắc phục?”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hằng năm không chỉ có 1.300 tỷ đồng  chi cho hoạt động nghiên cứu mà hiện nay trong 2% tổng chi NSNN chi cho KHCN thì khoảng 20% dành cho các nhiệm vụ nghiên cứu. Nên hằng năm có khoảng 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động này. Cho rằng “thuật ngữ “đề tài xếp ngăn kéo” có 3 loại”, Bộ trưởng giải thích, 3 loại gồm, nghiên cứu cơ bản thì về cơ bản đều “xếp ngăn kéo” vì nó đi trước thời đại, nó phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được, nên phải chấp nhận có giai đoạn đoạn chờ đợi; đề tài nghiên cứu ứng dụng, có một số đề tài để trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng thì kèm theo nó phải có điều kiện được đầu tư. Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, vì NSNN chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Vì thế muốn trở thành sản phẩm thương mại hóa thì phải có sự đầu tư của doanh nghiệp. Nhưng ở nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, cho nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt phải chờ nhà đầu tư. “Tôi cũng thừa nhận có một số “đề tài xếp ngăn kéo” thực sự vì nghiên cứu xong không ứng dụng được. Điều này xuất phát từ việc đề tài nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn kinh tế - xã hội, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh mà theo sở thích và mong muốn của nhà khoa học. Tất nhiên, việc này cũng là việc tốt vì người làm khoa học có ý tưởng, có mong muốn và được nghiên cứu” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng cho biết, Luật KHCN năm 2013 đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này. Trong đó quy định từ nay trở đi những nhiệm vụ sử dụng NSNN phải là những nhiệm vụ theo đặt hàng. Có nghĩa là phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh, từ cuộc sống, không phải từ ý thích của các nhà khoa học. Trong Nghị định 08 năm 2014 cũng đã quy định cơ chế đặt hàng, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng, mong muốn của mình, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước căn cứ vào chiến lược phát triển, nhiệm vụ chính trị của mình xác định xem đề xuất đó có phù hợp không, có đáp ứng được nhu cầu kinh tế-xã hội hay không và sau đó mới đề xuất đặt hàng với cơ quan quản lý KHCN. “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan đề xuất đặt hàng cam kết khi sản phẩm nghiên cứu thành công thì tiếp nhận kết quả nghiên cứu và tổ chức ứng dụng vào trong thực tiễn. Như vậy, câu hỏi bao giờ chấm dứt tình trạng “đề tài xếp ngăn kéo” thì có thể nói chúng ta thực hiện nghiêm Luật KHCN 2013 sẽ không còn tình trạng đề tài nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” gây lãng phí ngân sách nhà nước và không ứng dụng được” - Bộ trưởng khẳng định.

Sử dụng hiệu quả NSNN

Hằng năm, NSNN dành cho KHCN là 2%, nhưng trong nhiều qua, chưa có năm nào đạt con số này. Chi KHCN năm 2013 là 1,42%, 2014 là 1,36% và dự toán năm 2015 là 1,52%. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: “Ngân sách đã ít nhưng hiện có tình trạng nhiều nơi không sử dụng  hết kinh phí KHCN hoặc chi đầu tư phát triển KHCN không đúng mục đích, cần giải pháp gì giải quyết những bất cập này?”.

Bộ trưởng cho biết: Hằng năm, thực giao cho ngành KHCN là dưới 2% còn lại là dự phòng cho an ninh, quốc phòng. Nếu tính cả phần dự phòng an ninh quốc phòng và chi cho KHCN thì vẫn đủ 2%.

Bộ trưởng thẳng thắn: “Trên thực tế đúng là có tình trạng sử dụng không hết vì trước đây chúng ta xây dựng kế hoạch theo tư duy của nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, mọi nhiệm vụ KHCN phải được phê duyệt từ tháng 7 năm trước thì tháng giêng năm sau mới có kinh phí hoạt động. Cho nên, đến khi giao kinh phí thường nhiều đề tài dự án đã lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu thị trường”. Bộ trưởng nêu ví dụ dịch bệnh cần nghiên cứu, những hiện tượng thiên nhiên cần nghiên cứu, nhưng đến lúc thực hiện thì các nhà khoa học thấy rằng đã có nhà khoa học khác nghiên cứu rồi hoặc có chuyển giao công nghệ quốc tế rồi, nên không nghiên cứu nữa, kinh phí không sử dụng được phải trả lại cho NSNN. Mặt khác, việc chuyển đổi giữa các loại hình nghiên cứu thì cũng bị quy định cứng nhắc, nhiệm vụ cấp Nhà nước không thể chuyển cho nhiệm vụ cấp bộ, nhiệm vụ của trung ương không thể chuyển cho nhiệm vụ địa phương và ngược lại, cho nên chỉ có cách hoàn lại NSNN.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Với tinh thần Luật KHCN thì sẽ giải quyết được vấn đề này vì chúng ta thực hiện theo cơ chế quỹ. Hằng năm Nhà nước giao kinh phí cho ngành KHCN và đề tài dự án được phê duyệt đến đâu, được cấp tiền đến đấy không có tình trạng phê duyệt năm trước, năm sau mới có tiền. “Cho nên chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ được giải quyết một cách thuận lợi” - Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ.

XUÂN DŨNG