QĐND Online – Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra và góp ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo sáng 28-5…
Trước phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa bao quát hết các loại đảo, như bãi cạn “nửa nổi, nửa chìm”, “đảo ngầm”, “bãi đá”, “bãi san hô”, “đảo nhân tạo”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam thì đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Như vậy, các bãi cạn chìm xuống khi triều lên và nổi lên khi triều xuống là bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, không được coi là đảo và Luật biển Việt Nam cũng không quy định về đối tượng này. Theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo; Luật biển Việt Nam quy định về chế độ quản lý các đảo nhân tạo cùng nhóm với thiết bị, công trình trên biển. Như vậy, quy định về hải đảo trong Dự thảo Luật là phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam.
 |
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng) phát biểu ý kiến.
|
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phân tích về tầm quan trọng của việc quy định nội dung này vào dự thảo luât. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chúng ta không đưa cấu trúc này vào Luật khi người ta khai thác các bãi đá đó, chúng ta nói vi phạm luật “thì người ta sẽ nói Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo có bảo vệ những bãi đá này đâu, nên chúng tôi được quyền”. Đại biểu Nghĩa bày tỏ lo lắng về quy định tại Điều 40 “Hải đảo bao gồm hải đảo có người ở và hải đảo không có người ở”. Theo đại biểu Nghĩa, đảo không thích hợp cho người ở, không có đời sống kinh tế thì không được công nhận là đảo và lúc ấy trở về quy chế các bãi đá và các bãi đá thì không có lãnh hải.
Đồng ý với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) lập luận, dự thảo luật này "không sa vào xác định các vùng biển mà tập trung vào quản lý khai thác, bảo vệ biển, đảo nên không có vấn đề gì khi đưa các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô… Tôi cho rằng, khi đưa các khái niệm này vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách hài hòa. Nếu như chúng ta không đưa vào thì không thể bảo vệ được. Như ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô. Mặt khác, việc chúng ta quy định vào trong luật này hoàn toàn phù hợp, không có mâu thuẫn gì với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và chỉ có quy định, chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi kể cả ở trong nước và nước ngoài gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng) cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và đưa vào phạm vi điều chỉnh gồm các bãi đá ngầm và các cảng nhân tạo. Nếu chúng ta không đưa vào mà có sự việc xảy ra thì sẽ xử lý như thế nào? “Tôi không yêu cầu đưa vào nhưng hết sức cân nhắc làm sao để bảo vệ chủ quyền đất nước”, đại biểu Nhiên nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu kiến nghị rà soát lại để quy định sao cho phù hợp với hệ thống pháp luật và thúc đẩy được phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) kiến nghị Chính phủ cần có chính sách phát triển đối với Hoàng Sa, Trường Sa để các doanh nghiệp, cá nhân có động lực đầu tư cho khu vực này. “Tôi cho rằng cần tổ chức các tuyến tham quan, du lịch để các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân có thể thường xuyên tới thăm Trường Sa, để Trường Sa mãi mãi không xa hơn”, đại biểu Vẻ phát biểu. Kiến nghị mạnh hơn, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác hết lợi thế tài nguyên biển và hải đảo của đất nước.
Sáng 28-5, Chính phủ đã trình dự án Luật Trưng cầu ý dân trước Quốc hội. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 điều.
Luật này quy định việc công dân trực tiếp thực hiện quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức theo nghị quyết của Quốc hội; các nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; cử tri trong trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân.
Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày Chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố chậm nhất là sáu mươi ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có tới ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.
Những trường hợp thành lập khu vực bỏ phiếu riêng: Đơn vị vũ trang nhân dân trong trường hợp không tổ chức được chung một khu vực bỏ phiếu với địa phương; bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà hộ sinh, nhà nuôi người khuyết tật có từ năm mươi cử tri trở lên; cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh đối với những người đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
|
XUÂN DŨNG