QĐND - Ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo về việc phòng, chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi-rút Corona (MERS-CoV). Công điện nêu rõ, dịch bệnh MERS-CoV đang bùng phát tại 9 quốc gia vùng Trung Đông và đã lan đến nhiều quốc gia khác, trong đó đáng chú ý có những quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-líp-pin.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để chủ động phòng, chống dịch; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.
Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam. Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc bệnh dịch Mers-CoV tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương; chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng, hạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS-CoV. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành y tế.
 |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay Nội Bài.
|
* Sáng 3-6, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có buổi làm việc với Văn phòng EOC (Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh), đại diện WHO tại Việt Nam để đưa ra các phương án phòng, chống, ngăn dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.
Thông tin tại buổi làm việc cho biết, tính đến ngày 3-6, thế giới đã ghi nhận 1.179 trường hợp mắc bệnh MERS-CoV, trong đó có 442 trường hợp tử vong. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt. Số trường hợp nhiễm bệnh có thể tiếp tục tăng. Do đó, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cần thắt chặt an ninh khu vực cửa khẩu và sân bay quốc tế. Cũng tại cuộc họp, chuyên gia y tế của WHO khẳng định có sự lây lan thế hệ thứ 3, tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng. Tuy nhiên, đại diện của WHO cũng cho biết chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các đơn vị y tế cần chú trọng công tác phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu có trường hợp ca bệnh được phát hiện. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ động tập huấn về điều trị cho y, bác sĩ để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh MERS-CoV. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng tăng cường khuyến cáo cộng đồng, cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh; thiết lập đường dây nóng nhằm tư vấn cho người dân. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để có những thông tin kịp thời đến từng người dân qua các cửa khẩu và sân bay quốc tế. Đối với nhóm người Việt Nam đi lao động ở các nước đang có dịch MERS-CoV lưu, Bộ Y tế sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
Chiều cùng ngày, đoàn cán bộ của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác kiểm dịch tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài.
* Cũng trong ngày 3-6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với WHO về công tác phòng, chống và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV. Theo các chuyên gia của WHO tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho... Tại các khoa khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế.
THU HƯƠNG