Đoàn viên, thanh niên tiên phong khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đồng Mai - miền quê đi lên từ kinh tế nông nghiệp, Tạ Duy Cường, Bí thư Đoàn phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội luôn ấp ủ nguyện vọng được áp dụng tư duy làm kinh tế tiên tiến, hiện đại để phát triển kinh tế địa phương. Nhận thấy quê hương có thế mạnh về nông sản sạch, an toàn nhưng người dân còn làm nông đơn thuần, chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng, Cường đã cùng một người bạn thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nông trang xanh với mong muốn đầu tư nông nghiệp bài bản, mang thương hiệu của quê hương Đồng Mai; từ đó tạo công ăn việc làm tốt cho người dân và phát triển kinh tế quê hương.
    |
 |
Bí thư Đoàn phường Đồng Mai Tạ Duy Cường với sản phẩm nông sản sạch của quê hương. Ảnh: internet |
Hiện, công ty của Cường đã và đang đi vào hoạt động với mục tiêu cung cấp những sản phẩm rau quả đạt giá trị dinh dưỡng cao, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được cung cấp chủ yếu cho người dân địa phương và phân phối cho các cửa hàng, siêu thị rau sạch, nhà hàng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong thời gian dịch bệnh, công ty của Cường cũng là nguồn cung cấp chủ yếu cho chương trình “Quầy nông sản 0 đồng” và “Tiếp sức tuyến đầu” hỗ trợ cho người dân phường Đồng Mai và ủng hộ cho điểm cách ly tại địa bàn phường lân cận.
Với Bí thư Chi đoàn thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) Trần Đình Hòa thì đam mê kinh doanh đã thường trực ngay từ khi còn là sinh viên. Ra trường, làm việc ở một số nơi đúng chuyên ngành đã học nhưng không thấy phù hợp, anh Hòa đã tự mày mò, tìm hiểu, khởi nghiệp thành công mô hình kinh doanh đồng hồ qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Từ nguồn vốn vay của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Hồi, việc kinh doanh đồng hồ của anh đã mang lại doanh thu ổn định. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi đoàn, thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, anh Hòa còn tuyên truyền định hướng cho các bạn trẻ tiếp cận công nghệ mới về khởi nghiệp, lập nghiệp; tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các kỹ năng kinh doanh trực tuyến (online) cho nhiều bạn trẻ khác trong xã để cùng phát triển.
    |
 |
Thanh niên Thủ đô tham dự Cuộc thi "Sáng tạo tương lai xanh". Ảnh: internet |
Là đơn vị có nhiều hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Phó bí thư Huyện đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng cho biết: “Nhiệm kỳ 2017-2022, Huyện đoàn tổ chức 12 lớp tập huấn hỗ trợ khởi nghiệp cho hơn 2.000 đoàn viên thanh niên; duy trì có hiệu quả hoạt động vay vốn của Đoàn Thanh niên, các tổ tiết kiệm và vay vốn. Với 11 cơ sở khối xã, thị trấn tham gia, tổng dư nợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội hiện là hơn 35 tỷ đồng. Nhiều mô hình khởi nghiệp của giới trẻ đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương”.
Xác định đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Đoàn, nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động. Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai 7 cuộc thi, 7 chuỗi hội thảo về thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp. Thành đoàn đã ký kết với 17 trường đại học, học viện về hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Thủ đô; ra mắt mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sinh viên. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 195.494 đoàn viên, thanh niên; tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho 480.846 đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ vay 944 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp… Từ những hoạt động thiết thực này, nhiều loại hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế được thành lập, hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương và tạo tinh thần, khí thế sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên Thủ đô.
    |
 |
Gian hàng thanh niên của Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) trưng bày, giới thiệu sản phẩm dao truyền thống. |
Tạo khí thế mới với các kế hoạch, đề án cụ thể
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ TP Hà Nội đến năm 2020 đặt mục tiêu hình thành 350 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 10-15 vườn ươm công nghệ. Tuy nhiên đến hết năm 2021, Hà Nội mới có 119 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận; 5 trung tâm ươm tạo của các trường; có khoảng hơn 26 tổ chức là các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, chỉ một số ít đơn vị có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp. Còn lại phần lớn là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân khác chủ yếu cung cấp dịch vụ cho thuê không gian làm việc. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm trên địa bàn Hà Nội còn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự liên kết để trở thành mạng lưới.
Kết quả khiêm tốn này cho thấy giữa mục tiêu đặt ra và việc phân bổ nguồn lực thực hiện cũng như tổ chức thực hiện trong thời gian qua còn chưa đồng bộ, đặc biệt còn chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu.
    |
 |
Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội đã ra mắt mạng lưới “Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số HUB Network”. Ảnh: internet |
Xuất phát từ thực tiễn đó, mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Chương trình ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội”. Đề án đặt mục tiêu hàng năm ươm tạo cho khoảng 50-80 doanh nghiệp và tăng tốc cho 10-20 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, sinh viên tại các trường đại học, học viện, cao đẳng. Đến năm 2025 phấn đấu ươm tạo cho 250-300 doanh nghiệp và tăng tốc cho 80-100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Thành phố phấn đấu hỗ trợ kết nối đầu tư trị giá 1 tỷ đô la Mỹ cho các starup trong nước, hỗ trợ vay vốn 1.000 tỷ đồng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tạo công ăn việc làm cho 500.000 thanh niên, sinh viên hàng năm. Tới năm 2025, chuyển giao mô hình cho 20 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Tại Diễn đàn số về “Vai trò tiên phong của Đoàn Thanh niên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số”, do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao quyết định thực hiện 5 đề án trong Chương trình số 07-CTr/TU cho Thành đoàn Hà Nội. Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cần tạo sự khích lệ, động viên các sinh viên tham gia 5 đề án này một cách tích cực, hiệu quả. Từ đó, tạo tiền đề để tuổi trẻ tham gia hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô; đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước.
    |
 |
Mô hình container café- một trong 3 mô hình được CLB Thanh niên khởi nghiệp, trực thuộc Quận đoàn Hà Đông triển khai thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. |
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên thành phố cần xác định chức năng, nhiệm vụ của mình là thu hút, tập hợp, dẫn dắt đoàn viên, thanh niên. Đối với vấn đề đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đoàn Thanh niên cần quan tâm câu chuyện truyền cảm hứng, dấn thân, tạo môi trường thuận lợi về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số bảo đảm thiết thực, hiệu quả ….
Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của thành phố giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên. Với sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, nhiệm kỳ mới, phong trào khởi nghiệp sáng tạo sẽ tiếp tục làm nên khí thế mới trong đoàn viên, thanh niên Thủ đô...
HUY DƯƠNG