QĐND - Tại Việt Nam, bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Để có đủ thầy thuốc chăm sóc, điều trị bệnh tâm thần, lần đầu tiên sinh viên ngành học này được miễn học phí tại các cơ sở đào tạo từ năm học 2013-2014. Tuy nhiên, việc thu hút bác sĩ tâm thần về cơ sở công tác vẫn là bài toán khó cho các bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh.

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực; thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú; khó khăn trong xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh cũng như trở ngại trong việc hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng... Bác sĩ La Đức Cương cho rằng, chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần hiện còn nhiều bất cập. Thu nhập thấp trong khi phải làm việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần là rất khó khăn, đặc biệt là ở tuyến tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ chuyên khoa.

Sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những áp lực trong công việc, trong cuộc sống, lối sống thiếu lành mạnh… làm cho nguy cơ mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tuy nhiên mới chỉ tập trung vào việc điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Trong khi đó, tỷ lệ rối loạn trầm cảm lại chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay cũng  chưa hiệu quả... Bởi vậy, bên cạnh Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, cũng cần có các chính sách đối với người học, ưu tiên với người dạy, như hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề như người làm trực tiếp các chuyên ngành trên. Đặc biệt, những người theo học ngành tâm thần phải cam kết sẽ theo ngành này khi ra trường, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực đầu tư mà bác sĩ, điều dưỡng viên tâm thần thiếu vẫn hoàn thiếu.

HÀ VŨ