QĐND - Sau gần 30 năm đổi mới, mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực nhưng so với các vùng, miền trong cả nước, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn là "vùng trũng" về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực y tế…
Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế
Một khảo sát mới đây của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho thấy, toàn vùng ĐBSCL còn hơn 320 xã và trạm y tế xã thiếu bác sĩ. Các địa phương thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng là An Giang (hơn 500 bác sĩ), Sóc Trăng (gần 460 bác sĩ), Tiền Giang (gần 370 bác sĩ). Tại tỉnh Tiền Giang, cả huyện Tân Phú Đông chỉ có 6 bác sĩ. Ở một số huyện vùng xa, hải đảo của tỉnh Kiên Giang như Kiên Hải, Phú Quốc, nhiều trạm y tế hầu như không có bác sĩ. Các con số thống kê này dựa trên chỉ tiêu tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tỷ lệ bác sĩ và dược sĩ trình độ đại học tại các tỉnh ĐBSCL hiện còn ở mức thấp so với cả nước, bình quân chỉ có 4,8 bác sĩ và 0,41 dược sĩ/vạn dân. Tỉnh Sóc Trăng chỉ đạt 3,7 bác sĩ/vạn dân, tỉnh Hậu Giang 4,05 bác sĩ/vạn dân. Ở ĐBSCL, ngoài TP Cần Thơ (9,1 bác sĩ/vạn dân) và tỉnh Cà Mau (7 bác sĩ/vạn dân), các địa phương còn lại đều không đạt chỉ tiêu quy định. Hiện nay ĐBSCL còn thiếu đến 3.048 bác sĩ và 655 dược sĩ đại học.
 |
Nhiều cơ sở đào tạo ngành y mọc lên ở ĐBSCL nhưng chưa khắc phục được tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ. Trong ảnh: Sinh viên lớp YK27, Đại học Y Dược Cần Thơ trong giờ học thực hành khám lâm sàng thần kinh. |
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Vĩnh Long từng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 7 bác sĩ/vạn dân nhưng đến nay chỉ đạt tỷ lệ 5,37 bác sĩ. Trong khi đó, đầu năm 2015 Vĩnh Long có 3 đến 4 bệnh viện đi vào hoạt động, ngành y tế địa phương đang "đau đầu" vì không biết tìm đâu ra cùng lúc hàng trăm bác sĩ.
Nói về thực trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ ở địa phương mình, ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong 4 năm qua, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng không nhận được hồ sơ xin việc mới của bác sĩ. Ngược lại, có trường hợp bác sĩ ở Sóc Trăng còn đòi chuyển công tác đến các tỉnh, thành phố khác. Năm 2014, Sóc Trăng có 39 bác sĩ mới ra trường nhưng không một ai trở về quê hương làm việc.
Không chỉ thiếu bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực y tế ở 5 chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Tiền Giang hiện chỉ có 1 bác sĩ pháp y nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, không có nguồn thay thế nên địa phương phải vận động bác sĩ này ký hợp đồng tiếp tục làm việc. Còn Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ có 3 bác sĩ nhưng cả ba đều là… cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực trạng đào tạo đáng lo ngại
Tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức mới đây, nhiều nhà quản lý y tế và lãnh đạo địa phương tỏ ra băn khoăn trước thực trạng đào tạo nguồn nhân lực y tế hiện nay, nhất là lĩnh vực đào tạo bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học.
Trước nhu cầu của xã hội, những năm gần đây nhiều trường đại học ngoài công lập ở ĐBSCL (đào tạo đa ngành) có hiện tượng đào tạo "lấn sân", mở thêm các mã ngành y, dược. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 13 trường đào tạo lĩnh vực y dược, trong đó có 11 trường ngoài công lập. Riêng ở bậc đại học, ngoài Trường Đại học Y dược Cần Thơ được giao đào tạo chuyên ngành, các trường khác như: Đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), Đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), Đại học Tây Đô và Đại học Nam Cần Thơ (TP Cần Thơ) cũng được phép đào tạo ngành y với chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn. Điển hình như Đại học Tây Đô, sau 4 năm tuyển sinh, trường này đã và đang đào tạo gần 5.500 sinh viên ngành Dược - Điều dưỡng. Năm 2014, trường tiếp tục tuyển sinh vào ngành Dược và Điều dưỡng hệ chính quy, bậc đại học 400 chỉ tiêu.
 |
Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL hiện đang thiếu hụt trầm trọng bác sĩ, nhất là bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở. |
Chưa nói đến cơ sở vật chất, điều kiện thực hành, đội ngũ giảng viên ở các trường ngoài công lập đào tạo đa ngành ra sao, nhưng nhìn vào chất lượng tuyển sinh ngành y ở một số trường không khỏi khiến người ta lo ngại. Có trường lấy điểm đầu vào của thí sinh chỉ vừa bằng điểm sàn hoặc bằng một nửa so với điểm chuẩn của các trường chuyên ngành. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng các trường này chạy theo số lượng hơn là chú trọng chất lượng đào tạo?
"Chúng tôi biết có trường ở ĐBSCL mới thành lập nhưng mở cùng lúc đến 4 mã ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, điều dưỡng. Chất lượng đào tạo của cơ sở này không biết ra sao vì lãnh đạo nhà trường không phải là người có chuyên môn về y dược"- PGS, TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ băn khoăn.
Ông Phạm Văn Đởm, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang xác nhận, toàn tỉnh Kiên Giang còn 70/145 xã chưa có bác sĩ hoạt động, nhất là các xã đảo, xã biên giới. Vì thế, Kiên Giang đành chấp nhận tăng nhanh số lượng để có bác sĩ. Do chạy theo số lượng nên chất lượng của đội ngũ y bác sĩ chưa được như mong muốn, chưa tạo được niềm tin đối với người bệnh nên hiện tượng khám, chữa bệnh vượt tuyến còn xảy ra.
Cần có chính sách, giải pháp phù hợp
Theo chỉ tiêu tại Quyết định 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2015, mỗi địa phương phải có 8 bác sĩ và 2 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động là 80%. Đến năm 2020, con số này lần lượt là 9 bác sĩ, 2,2 dược sĩ và 90% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động.
Trước thực trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ và yêu cầu về chỉ tiêu của Quyết định 122/QĐ-TTg, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều có cùng "nguyện vọng" là được cơ sở đào tạo chuyên ngành (trong đó có Trường Đại học Y dược Cần Thơ) tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho địa phương. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét chỉ tiêu đào tạo cho các trường Đại học Y dược Cần Thơ và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh theo hướng ưu tiên chỉ tiêu xét tuyển thí sinh sinh sống ở 22 huyện nghèo, khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, để giảm áp lực thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, việc tăng chỉ tiêu đào tạo hoặc áp dụng các hình thức đào tạo liên thông xét cho cùng cũng chỉ là giải pháp trước mắt; nó sẽ không đem lại hiệu quả tích cực, lâu dài nếu các địa phương cứ nôn nóng chạy theo số lượng.
Sự thiếu hụt nguồn lực y tế ở ĐBSCL còn có nguyên nhân quan trọng là phần lớn sinh viên ngành y (hệ chính quy, tự túc học phí) khi ra trường đều không muốn trở về quê nhà công tác, xu hướng chung là lựa chọn những nơi có môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, điều kiện thăng tiến tốt. Nếu không có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực thì các địa phương vùng ĐBSCL sẽ khó thu hút được đối tượng này. Và như thế, vấn đề thiếu hụt nguồn lực y tế sẽ còn tiếp diễn.
Bài và ảnh: HỒNG HIẾU – CTV