Trần sắp sập. Ảnh: Internet

Khu tập thể nhà C5 Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhiều năm nay nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trước kia bốn tầng thì nay chỉ còn… ba tầng rưỡi, dầm trần nứt toác, trần nhà thủng hoác, tầng một thấp hơn mặt đường 1,5m nên mưa đến thành ao. Khu nhà không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân nơi đây. “Quá đát” từ lâu, vậy mà nó vẫn còn đó.

“Trứng để đầu đẳng”

Khi chúng tôi đặt chân tới khu tập thể (KTT) nhà C5 Quỳnh Mai thì bị bất ngờ bởi ngay ở một quận trung tâm của Hà Nội mà vẫn còn một khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng như thế. Vữa trên tường, trên trần bong tróc nham nhở, rêu mốc. Càng ớn lạnh hơn khi biết trong khu tập thể này đang có cả trăm con người sinh sống. Cũng dễ hiểu, do “tuổi đời” của ngôi nhà cao tầng này đã quá khả năng, có lẽ các nhà thiết kế ngôi nhà năm xưa cũng không ngờ rằng ngôi nhà “bền” đến vậy.

Khu nhà này vốn là khu tập thể của Công ty Cơ khí công trình (Bộ GT-VT) được xây dựng từ năm 1956 và đưa vào sử dụng năm 1960. Thời ấy, Công ty xây dựng chủ yếu để bố trí cho cán bộ công nhân viên độc thân của mình, nên toàn bộ 95 căn phòng được chia đều từ 15 đến 18m2/phòng, không có bếp, không có công trình vệ sinh riêng. Tòa nhà bốn tầng chỉ được bố trí hai khu vệ sinh, nhà tắm và bếp công cộng ở hai phía đốc nhà. Gần 50 năm đã trôi qua, những cán bộ, công nhân viên đều đã lập gia đình và một lòng “chung thủy” với ngôi nhà.

Theo chân ông Trần Duy Hùng, tổ trưởng tổ dân phố nhà C5 Quỳnh Mai chúng tôi được “mục sở thị” sự “rách nát”, “ổ chuột” của ngôi nhà. Vữa trát ở hai phía đầu đốc nhà có tác dụng chống thẩm lậu nước ngấm vào trong nhà thì nay tuyệt nhiên tồn tại để cho… có. Hình những viên gạch bị bào mòn bởi nắng mưa còn lưu vệt nước màu đỏ của gạch hoen ố trên tường. Phần khác dành cho rêu mốc ké chân, thậm chí cả cây bụi cũng nương nhờ “sinh sống”. “Nhìn ngoài còn đỡ sợ, chứ hễ chạm nhẹ tay vào tường thì biết ngay nó có bám vào đâu đâu, không cẩn thận bung ra cả mảng trút xuống người ấy chứ” - ông Hùng cảnh báo. Nghe vậy chúng tôi cũng không dám động chân, động tay, chỉ lặng lẽ theo ông và đi “tham quan” những chỗ khác.

Tại cầu thang tầng hai lên tầng ba của khu nhà những chiếc dầm chịu lực vữa trát đã rụng hết từ lâu, cốt thép hoen rỉ. Sợ hơn cả là trần tầng bốn vốn chỉ là trần rơm trộn với vôi, giờ còn lại những mảng cốt tre mục nát chờ… sụp xuống. Ở các khu nhà tập thể khác của Hà Nội người dân có thể làm cũi, làm lồng đua ra cải thiện diện tích sinh hoạt, còn nhà C5 thì bó tay. Vì tường nhà không đủ chắc chắn để đua dầm bê tông ra làm “cũi” sau nhà nên các nhà ở đây đều phải tận dụng hành lang chật chội trước cửa làm khu phụ khiến nhà đã chật lại càng thêm chật.

Nỗi lo người trong cuộc

Các hộ ở tầng trên chí ít còn có ánh sáng vào nhà, tầng một thì hơn 30 năm qua, căn nhà của họ không khác gì “địa đạo”. Bởi khu nhà đã “tụt sâu” xuống lòng đất 1,5m so với mặt đường.

Khu nhà lún sâu như vậy là do từ những năm 1978 - 1979, khi hàng loạt khu nhà cao tầng xây dựng, “cốt nền” và cả đường đều cao hơn nhà C5.

Vào thăm cư dân tầng một, chúng tôi cảm nhận rõ nét lo lắng hiện trên khuôn mặt mỗi người. Bà Phạm Thị Hoa, phòng 103 cho biết, chỉ sau một trận mưa không lớn lắm, tầng một nhanh chóng chìm ngập trong bùn nước, rác lềnh bềnh, phân ập vào nhà giống như nơi đây đang trải qua trận lũ. Mặc dù gia đình nào cũng xây “con lươn” để ngăn nước nhưng mưa lớn thì chẳng ăn thua gì. Rồi bà Hoa chỉ vào tường “khoe” vết tích trên tường sau trận mưa ảnh hưởng cơn bão số 6 vừa qua. Bà nói: “Đây các chú xem, nước ngập vào trong nhà vẫn còn để lại “ngấn” đen đen đây, gần mét chứ bỡn”. Còn nhà ông Hoàng Thế Cường cạnh nhà bà Hoa chân bước mỗi tiếng xì xẹp là nước từ dưới lại trào lên.

Cám cảnh, lo âu với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây, ngay cả khu vệ sinh chung cũng không còn gì để xuống cấp được nữa. Nhiều khi giờ “cao điểm” lỡ trùng “đi nhanh, đi chậm” thì chỉ có mà… “khóc”. Ông Trần Duy Hùng giọng trầm ngâm tỏ vẻ lo lắng: “Không biết ngôi nhà này tồn tại được bao lâu nữa các chú nhỉ?”. Đến đây ông Hùng chững lại như để lấy hơi rồi nói tiếp: “Mong sao các cấp của thành phố về thị sát thực hư của ngôi nhà (đã một vài lần có cơ quan chức năng về “thăm” rồi lại đi) có ý kiến với dân xem nên giữ lại hay phá bỏ để dân còn biết mà liệu”. Nghe ông tổ trưởng nói đến đây chúng tôi cũng run, nghĩ quẩn: Lỡ… muộn quá, không kịp.

Gọi là nhà cao tầng chứ thực ra giờ đây nhà C5 chẳng có tiêu chí nào đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho con người mà luôn đầy ăm ắp nỗi bất an với những hộ ở đây.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI SƠN