Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

Đó là một điểm nhấn trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 được tổ chức trong hai ngày 4 và 5-5 tại Hà Nội.

Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 4-2016, cả nước có 10.954 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 23,2%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,2%; số vốn đăng ký tăng 21,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4-2016 là 105 nghìn người, giảm 15,1% so với tháng 3-2016.Trong tháng, cả nước có 1.955 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,2% so với tháng trước; có 5.844 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 50,6%; có 840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 16%...

Các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay. Ảnh: Minh Lý 
Đánh giá chung về tình hình của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận “hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn”, trong đó việc tiếp cận các chính sách phát triển, các yếu tố đầu tư kinh doanh, như mặt bằng sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều trở ngại. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến của  Bộ Công Thương được tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất vay từ đồng ngoại tệ của các doanh nghiệp nước ngoài cao.  

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hoa Lan là doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu và doanh nhân nữ xuất sắc khối APEC (năm 2015) cho rằng: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều rào cản với doanh nghiệp, nhất là rào cản về thủ tục hành chính.

Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?

Đó là trăn trở lớn của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Để góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, từ cuối tháng 4-2016, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất và hầu hết ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay.

Ngày 29-4 vừa qua, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã  ký cam kết với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. UBND TP Hồ Chí Minh cam kết, định kỳ hằng quý cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, thông qua VCCI, về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời bảo đảm công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. UBND TP Hà Nội cam kết cắt giảm đến 30% thời gian làm thủ tục hành chính về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài so với yêu cầu tại các văn bản pháp luật về đầu tư. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 30% đến 50% trong lĩnh vực quy hoạch...

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế. Để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, dự thảo Nghị quyết nêu rõ một số nguyên tắc như: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và cơ hội kinh doanh; Nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm…

Để có thể giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định về đất đai theo hướng điều chỉnh tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp để bảo đảm tính cạnh tranh, ổn định, dễ áp dụng và thực hiện cho doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải...

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hy vọng rằng, Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế sẽ trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 427,2 nghìn người, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 11.331 doanh nghiệp, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm nay là 3.759 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

ĐỖ PHÚ THỌ