Theo đó, BĐBP TP Cần Thơ đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, 80 văn bản (gồm báo cáo, kế hoạch, công văn) và hơn 100 công điện báo cáo, chỉ đạo phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Thường xuyên quán triệt các văn bản, chỉ thị, kế hoạch, chương trình của các cấp về đấu tranh chống khai thác IUU đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ.

Với quan điểm nâng cao nhận thức, ý thức ngư dân trong phòng, chống khai thác IUU là nền tảng, từ tháng 10-2023 đến nay, BĐBP đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 34 cuộc tuyên truyền tập trung với sự tham gia của 2.050 người, cùng với 7.459 lượt tuyên truyền nhỏ lẻ đến 38.240 lượt ngư dân. Các cơ quan, đơn vị BĐBP phát 3.500 tờ rơi về các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp và nhắn tin truyền thông trực tiếp đến 500 lượt chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống khai thác IUU của chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân đã được nâng cao rõ rệt.

Bộ đội Biên phòng TP Cần Thơ tuyên truyền phòng, chống IUU cho ngư dân. Ảnh: HIẾU HÀ

Hằng tuần, các đồn biên phòng đều kiểm tra, rà soát từng phương tiện trên địa bàn, chụp ảnh vị trí đối với các phương tiện không đủ điều kiện khai thác nhằm chấm dứt hiện tượng tàu thuyền, ngư dân không đủ thủ tục, giấy tờ xuất bến khai thác hải sản trái phép. Công tác thống kê, phân loại phương tiện theo chiều dài, thống kê phương tiện trên địa bàn hoạt động tại địa phương khác và nắm, quản lý các phương tiện địa phương khác thường xuyên hoạt động tại địa bàn được thực hiện khoa học. Các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cũng được theo dõi, giám sát thường xuyên qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS); rà soát, cập nhật danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, giám sát.

Đến nay, thành phố hoàn thành đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 792/792 tàu cá, đạt 100%. Đặc biệt, 341/341 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị VMS, đạt 100% theo kế hoạch. Toàn bộ 792/792 tàu cá cũng đã cập nhật đầy đủ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase và cập nhật căn cước công dân gắn với cơ sở dữ liệu dân cư VNeID. Tại các bến bãi, công tác đăng ký, kiểm chứng được thực hiện nghiêm ngặt. BĐBP đã kiểm tra, kiểm soát 7.459 lượt tàu cá/38.240 lượt thuyền viên xuất, nhập bến, trong đó có 1.688 lượt tàu cá/9.969 lượt thuyền viên ngoài tỉnh. Đáng chú ý, việc đăng ký xuất, nhập bến thông qua hệ thống quản lý tàu cá của BĐBP đạt 100%.

Bộ đội Biên phòng TP Cần Thơ trao cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và phao cứu hộ tặng ngư dân. Ảnh: HIẾU HÀ 

Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, công tác chống khai thác IUU tại TP Cần Thơ vẫn còn đối mặt với những "nút thắt" cần được tháo gỡ để đạt hiệu quả tối ưu. Ví như, nguồn lực và phương tiện tuần tra của một số đơn vị còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát; công tác quản lý tàu thuyền và VMS còn đặt ra thách thức, quản lý phương tiện nhỏ chưa chặt chẽ. Đồng thời, khó khăn về kinh tế, chi phí đăng kiểm cao, điều kiện gia đình khó khăn cũng là nguyên nhân khiến ngư dân chưa thực hiện đầy đủ các quy định.

Thời gian tới, BĐBP TP Cần Thơ tiếp tục tham mưu, ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch cao điểm với chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân, bảo đảm sự vào cuộc đồng bộ từ cấp trên xuống cấp dưới về phòng, chống IUU. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức, tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng ngư dân. 

Bộ đội Biên phòng TP Cần Thơ trao cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và phao cứu hộ tặng ngư dân. Ảnh: HIẾU HÀ 

Ví dụ như, bên cạnh tuyên truyền trực tiếp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, đặc biệt là 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Xây dựng quy chế phối hợp với các lực lượng tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành tại cảng cá và trên biển, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thông qua hệ thống VMS. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá nhỏ và tàu không đủ điều kiện, tiếp tục rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, đặc biệt là các phương tiện nhỏ neo đậu ở bãi ngang. Giám sát các đối tượng có nguy cơ cao, phối hợp với các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi, giám sát hoạt động của các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, BĐBP TP Cần Thơ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế bền vững, đặc biệt là đối với các phương tiện tàu cũ nát, không còn khả năng khai thác hoặc ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Xóa đăng ký tàu không hoạt động, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ việc xóa đăng ký đối với các phương tiện mục nát, nằm bờ lâu ngày, hoặc chủ phương tiện không còn nhu cầu sử dụng; giải quyết tình trạng tàu cá mất tích... góp phần xây dựng một ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con ngư dân.

Đại tá PHẠM LÊ XUÂN BÌNH, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ kiêm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy BĐBP TP Cần Thơ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.