QĐND - Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm có nhiều kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2015, ngày 29-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tích cực tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu mức tăng trưởng bình quân cả năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lấy lại đà tăng trưởng

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, 6 tháng đầu năm, GDP ước tính tăng trưởng khoảng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước. Cụ thể, cùng kỳ năm 2011 tăng 5,92%, năm 2012 tăng 4,93%, năm 2013 tăng 4,9%, năm 2014 tăng 5,22%. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất với con số ước tính là 9,09%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014 chỉ đạt mức 5,93%. Khu vực dịch vụ ước tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng 5,56% của cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,36%, thấp hơn so với mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014. Riêng trong quý 2-2015, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý 1 và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN

“Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận, kinh tế vĩ mô của nước ta đã ổn định hơn, vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt cao hơn quý 1 và cao hơn cùng kỳ 5 năm trước, đồng đều trên cả 3 lĩnh vực. Thu ngân sách, đầu tư toàn xã hội, dư nợ tín dụng, sức mua, cầu về tiêu dùng, cầu về đầu tư tăng mạnh, niềm tin vào thị trường tốt hơn. Đây là các dấu hiệu cho thấy, nếu không có gì đột biến, khả năng cả năm 2015 sẽ tăng trưởng ít nhất là đạt mục tiêu 6,2%.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng phấn khởi: “Kinh tế-xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2015 phát triển cơ bản là ổn định, tiến triển tích cực trên rất nhiều lĩnh vực. Nhìn chung, nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng. Nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội của chúng ta trong 6 tháng đầu năm vừa rồi. Họ đưa ra dự báo kỳ vọng đều là tích cực”.

“Nói như thế để chúng ta thấy triển vọng, khả năng thực hiện kế hoạch là tích cực, nhưng không hề coi thường, không hề chủ quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý về những khó khăn để các bộ, ngành, địa phương cố gắng khắc phục, không chủ quan với kết quả đã đạt được. Đầu tiên là nông nghiệp có tăng trưởng, nhưng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đã được chỉ ra là do hạn hán và tình hình thị trường không thuận lợi. Do vậy, cả Trung ương, cả địa phương, cả doanh nghiệp cùng phải tìm cách tháo gỡ để đạt kết quả tốt hơn.

Một khó khăn nữa là xuất khẩu tiếp tục tăng, nhưng tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 6,3%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng tới 14,9%. Xuất khẩu tăng chậm lại, dẫn tới nhập siêu tăng. Nhập siêu càng cao thì sức ép về ổn định kinh tế vĩ mô càng lớn, trước hết là tỷ giá. Do vậy, phải kiểm soát nhập siêu theo kế hoạch, đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu. Cùng với đó là phải kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong nước sản xuất được và việc kiểm soát này phải bảo đảm theo đúng cam kết quốc tế. 

Ngành du lịch cũng còn gặp khó khăn. Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, còn chậm…

Tháo gỡ vướng mắc trong cải cách hành chính

Cũng trong ngày 29-6, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2015, do Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trình bày.

Phát biểu về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, trên thực tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, mặc dù thủ tục hành chính đã được đơn giản. Phó thủ tướng nêu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương “phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực tế”, tiếp tục rà soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm tinh thần cải cách, thực hiện hậu kiểm để đáp ứng mong mỏi của nhân dân, doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên thực tế. Ví dụ, ngành thuế, hải quan mặc dù đã giảm được nhiều thủ tục như báo cáo đã nêu, nhưng trên thực tế, khi doanh nghiệp tiếp xúc với các thủ tục hành chính thì vẫn còn khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã đạt được kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng vẫn còn vướng mắc. Yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính là phải rà soát lại thể chế, cơ chế, chính sách quy định trong văn bản pháp quy để bãi bỏ hoặc sửa những quy định không phù hợp. “Đó là đạo đức, trách nhiệm, phẩm chất cán bộ”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh khi nhắc tới tình trạng có cán bộ, công chức “có quy định rồi mà không muốn làm, đặt ra đủ thứ, nào là đi vắng, làm cái này, mắc họp, làm cái kia, thêm dấu chấm, thêm dấu phẩy…” khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy rối và mệt mỏi.

Cùng với việc rà soát, bãi bỏ, sửa đổi những thủ tục hành chính không phù hợp, triển khai thi hành trong thực tiễn, Thủ tướng yêu cầu phải mạnh mẽ đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng, bởi việc này càng được làm mạnh mẽ thì việc triển khai Chính phủ điện tử, cải cách dịch vụ công càng tốt.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tạo cơ chế, chính sách, thủ tục, điều kiện thuận lợi, thông thoáng, dễ dàng để người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngày 30-6, Chính phủ tiếp tục Phiên họp thường kỳ tháng 6.

CHIẾN THẮNG