Huyện Phú Giáo nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương được quy hoạch có 18 CCN và 4 khu công nghiệp, với diện tích hơn 3.000 ha, Huyện có tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đi qua, kết nối với tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn nên kết nối giao thông liên vùng rất thuận tiện.
Theo kế hoạch, CCN Tam Lập 2 được xây dựng với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời đóng vai trò cầu nối giao thương, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các nhà máy tại đây sẽ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm thiểu phát thải và xây dựng môi trường sản xuất xanh – sạch, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững. CCN Tam Lập 2 dự kiến thu hút các ngành nghề đầu tư như may mặc, điện tử, viễn thông, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, thức ăn gia súc, gia cầm, sản xuất các sản phẩm kim loại, sản phẩm nội ngoại thất…Theo kế hoạch, CCN Tam Lập 2 sẽ được đưa vào hoạt động trong quý 2-2025.
Đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh rằng, dự án CCN Tam Lập 2 là một công trình kinh tế mà còn là biểu tượng cho quyết tâm phát triển bền vững của Bình Dương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Dự án cũng được định hướng để gắn kết giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. CCN Tam Lập 2 sẽ trở thành một điểm sáng trong chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Bình Dương.
 |
Các đơn vị ký kết thực hiện dự án CCN Tân Lập 2. |
CCN Tam Lập 2 không chỉ tạo thêm việc làm mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo nghề và phát triển kỹ năng lao động. Đây cũng là nền tảng để thúc đẩy hợp tác quốc tế, giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ mới và mở rộng thị trường. Là đơn vị đầu tư dự án, Tập đoàn Gia Định cam kết sử dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng địa phương.
Hiện nay, Bình Dương đang khẩn trương thực hiện chủ trương di dời các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn các địa phương phía Nam như: TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên và TP Bến Cát lên các khu công nghiệp, CCN phía Bắc của tỉnh. Ước tính số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời gần 289.000 người.
Các địa phương phía Bắc của Bình Dương đã sẵn sàng tiếp nhận doanh nghiệp thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ. Bình Dương đang xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía Nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch. Với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh.
Việc xây dựng các khu công nghiệp, CCN thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. CCN Tân Lập 2 là một địa chỉ tin cậy, hành động thiết thực để tỉnh sớm hoàn thành chủ trương này.
Đồng chí Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: Để đón các doanh nghiệp phía Nam lên phía Bắc của tỉnh, huyện Phú Giáo đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng. CCN Tân Lập 2 sẽ đón luồng doanh nghiệp đầu tiên di dời từ phía Nam lên, sau đó Phú Giáo sẽ tiếp tục triển khai các khu, CCN khác. Các doanh nghiệp di dời về đây yêu cầu phải thay đổi thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ để phát triển công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, công nghệ cao, tạo động lực phát triển mới.
LONG GIANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.