Những dấu hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán 

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), TTCK nước ta có bước khởi đầu thuận lợi ở 2 tuần đầu năm, chỉ số VN-Index tăng 5,27% so với cuối năm trước đó, lên trên ngưỡng 1.060 điểm. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu đã giúp thị trường có sự phân hóa tích cực, nổi bật là các nhóm cổ phiếu như: Đầu tư công, chứng khoán, thép, bất động sản... Với độ rộng thị trường khá tích cực, nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau Tết âm lịch cùng cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.

Các chuyên gia tài chính nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên TTCK Việt Nam. Nhìn chung thì kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định, bởi triển vọng kinh tế vĩ mô sẽ đứng trước nhiều thách thức trong năm 2023. Tuy nhiên, điểm tích cực là nhóm ngân hàng với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023, nhờ đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Việc cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng khiến triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan. Nhưng xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng hạ tầng cơ sở ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

leftcenterrightdel
 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG

Đánh giá về triển vọng của TTCK trong năm 2023, đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất với mức độ lớn, tần suất dày trong thời gian qua và theo đó khiến USD lên giá mạnh mẽ so với tất cả đồng tiền khác trên thị trường đã gây áp lực đáng kể lên các cân đối kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đà tăng lãi suất của FED nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 (dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022) thì TTCK Việt Nam trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn về điểm số, với thanh khoản bình quân sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2022. VCBS dự báo chỉ số VN-Index dao động trong vùng điểm số khoảng 900-1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm. 

Lấp các lỗ hổng quản lý, củng cố niềm tin

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: “Hiện nay, vốn đầu tư trung hạn, dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để bảo đảm nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TTCK. Theo đó, cần rà soát lại các quy định pháp luật và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao trong năm 2022, ngành chứng khoán đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK. Điều này đã được thị trường ghi nhận, góp phần giúp niềm tin trên thị trường được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển minh bạch, bền vững hơn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian tới thị trường sẽ đi vào thực chất để phát triển bền vững. Do đó, trong năm 2023, ngành tài chính sẽ triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. 

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2023; tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kịp thời và quy định pháp luật; củng cố nhân lực của UBCKNN, các sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); tăng cường truyền thông về thị trường cũng như các chính sách để các thành viên thị trường luôn tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống từ UBCKNN, các sở giao dịch; có những giải pháp chắc chắn để ổn định và phát triển TTCK.

NGUYỄN ANH VIỆT