QĐND Online – Sáng 27-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng xanh và cơ hội thương mại cho Việt Nam. Tham dự hội thảo có các đại diện đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện nghiên cứu và các trường đại học.
Nhu cầu về tăng trưởng xanh là cần thiết
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Giám đốc Dự án EU-MUTRAP cho biết: “Trong gần 10 năm qua, tăng trưởng xanh đã trở thành một mô hình tăng trưởng kinh tế mới được nhiều quốc gia, đặc biệt trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương áp dụng và có nhiều tổ chức quốc tế tham gia. Mô hình tăng trưởng xanh đã hỗ trợ phát triển kinh tế gắn liền với giảm thiểu tác động môi trường thông qua thối hiểu hóa chất thải, khí thải nhà kính, sử dụng tài nguyên bền vững. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã quyết tâm theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh”.
Theo ông Sơn, nhu cầu về tăng trưởng xanh và bền vững là rất cần thiết đối với Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa giai đoạn kinh tế quốc tế mới và nhu cầu khai thác tốt hơn nữa các lợi ích thương mại tự do, đồng thời bảo tồn và duy trì điều kiện phát triển kinh tế bền vững.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Chiến lược tăng trưởng xanh có những ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nước ta. Đánh giá về vấn đề này, TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thông qua “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” vào tháng 9-2012 và “Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2014-2020” vào tháng 3-2014. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng “Chương trình hành động thực hiện tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương giai đoạn 2015-2020”.
Tại Hội thảo, ông Minh cũng chia sẻ, nội dung mà chiến lược tăng trưởng xanh hướng tới đó là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất với việc đẩy mạnh các hiệu quả hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành tài nguyên môi trường trong khi khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp xanh trong công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và xây dựng; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tăng trưởng xanh là điều kiện cần có cho xây dựng nền kinh tế xanh với các đặc điểm, đó là gia tăng đầu tư một cách bền vững đối với các hoạt động kinh tế thúc đẩy bảo tồn và phát triển nguồn vốn tự nhiên, giảm thiểu các mối nguy về môi trường và sinh thái từ phát triển năng lượng tái tạo, giao thông các bon thấp, các tòa nhà hiệu quả về năng lượng và nước, quản lý nông lâm nghiệp và thủy sản bền vững.
Bên cạnh đó, thương mại là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như vấn đề môi trường. Thực hiện tăng trưởng xanh mở ra các cơ hội phát triển, động lực cạnh tranh và kinh doanh bền vững bởi các doanh nghiệp đã cải thiện được hiệu quả tài nguyên và thực thi môi trường thông qua áp dụng các sáng tạo công nghệ và phi công nghệ bền vững, trong khi tăng trưởng xanh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động thương mại hóa và tự do hóa thương mại các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường.
Mở ra nhiều cơ hội phát triển
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, tăng trưởng xanh mở ra những cơ hội thương mại cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, bao gồm: Nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch... Về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Huy Hoàn, Phó trưởng ban-Ban Nghiên cứu môi trường và Phát triển thương mại bền vững (Viện Nghiên cứu Thương mại) đã có những phân tích, đánh giá khá chi tiết. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất: Lĩnh vực này chiếm 35% lượng điện sử dụng toàn thế giới, hơn 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu và hơn 1/4 lượng khai thác các tài nguyên cơ bản. Hơn nữa, chất độc từ hóa chất nông nghiệp và công nghiệp nằm trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới; các sản phẩm có thiết kế hoặc được sản xuất từ các công ty thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững, sẽ có lợi thế trên thị trường thế giới. Nhiều nhà cung cấp đã hướng việc sản xuất theo hướng bền vững hơn để đảm bảo vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
 |
Xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa/baomoi.com. |
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc sản xuất và giao dịch năng lượng từ các nguồn tái tạo có thể giúp tiếp cận nguồn nguyên liệu và điện năng sạch, giá rẻ. Thị trường thế giới về công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả và hàm lượng các bon thấp, bao gồm các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ tăng gấp ba lần, đạt 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Những tác động tiêu cực của môi trường cũng ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quá trình mở rộng canh tác, nuôi trồng, chế biến và lưu thông các sản phẩm nông nghiệp. Các thách thức này đến từ việc liên tục suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái, suy thoái và xói mòn đất, khan hiếm nước ngọt, ô nhiễm nước trầm trọng... Do vậy, các phương pháp canh tác bền vững có thể giúp tăng năng suất, tạo điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được các nhu cầu đang tăng lên của thế giới đối với các sản phẩm hữu cơ.
Tuy nhiên, chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đó là, tổng chi phí kinh tế cho biến đổi khí hậu vào khoảng từ 2 đến 6% GDP, tương đương từ 3 đến 9 tỷ USD và từ 1 đến 2,5 tỷ USD cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra là khó khăn trong việc vận động các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các chính sách để huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh vẫn còn thiếu hụt, đặc biệt là các quỹ quốc tế về khí hậu.
Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển bền vững, các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, cần phải chú trọng vào các giải pháp như: Rà soát và điều chỉnh các kế hoạch hành động của các ngành, vùng theo hướng hạn chế phát triển các ngành kinh tế gây ô nhiễm môi trường cao và làm suy giảm tài nguyên; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Đồng thời, phát triển mô hình nông thôn có lối sống xanh với môi trường, tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Bài, ảnh: THU HUYỀN