QĐND Online – Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều 1-6...
Tăng đại biểu chuyên trách
Nhiều ý kiến tán thành việc quy định số lượng và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức chính quyền địa phương tương tự như Luật tổ chức Quốc hội nhưng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở một số cấp hành chính.
Trong phần giải trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, cần tăng hợp lý số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện; có các cơ chế nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho xác định cụ thể trong dự thảo Luật các chức danh của HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đó, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, dự thảo Luật quy định Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
 |
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu ý kiến.
|
Tán thành tư tưởng tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, quy định như trong dự thảo còn chưa thực sự hiệu quả. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định đến hiệu quả của HĐND. Thời gian qua đại biểu hoạt động kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm với chính quyền địa phương nên dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa mang lại kết quả như mong muốn”.
Theo tinh thần sửa đổi lần này, Luật điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tuy nhiên đại biểu Nghĩa chỉ ra, trong dự thảo Luật, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không thay đổi và dường như ban soạn thảo né tránh vấn đề này. Bởi vì, theo đại biểu, dự thảo Luật trước đây quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách mỗi cấp nhưng đến thời điểm hiện nay lại chỉ quy định “trưởng các ban có thể hoạt động chuyên trách”. “Cứ thế này đâu lại vào đấy, nếu không sửa đổi thì hiệu quả hoạt động của HĐND cũng giới hạn ở hình thức mà thôi!” đại biểu Nghĩa băn khoăn.
Từ đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần quy định ngay trong Luật tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách ở mỗi cấp ít nhất là 30% ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện và 15% ở cấp xã. Đồng thời, hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu HĐND là lãnh đạo, cán bộ công chức cơ quan chuyên môn của UBND, tăng cường số lượng đại biểu ở khối Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội. Đối với số lượng các Ban của HĐND, đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng ở cấp tỉnh mỗi ban nên có 1 trưởng và 2 phó, 1 ủy viên hoạt đông chuyên trách vì chức năng nhiệm vụ của Ban tương đương với mỗi sở ngành nên trách nhiệm nặng nề, cần tăng số lượng mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tương đương, cấp huyện nên quy định mỗi ban có 1 trưởng, 1 phó hoạt động chuyên trách; cấp xã mỗi ban có 1 trưởng ban chuyên trách. ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, với lực lượng chuyên trách như vậy mới đáp ứng điều kiện cần khắc phục bệnh hình thức, đảm bảo thực quyền, mang lại hiệu quả thiết thực của HĐND các cấp.
Cùng góp ý về đại biểu chuyên trách, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) đề nghị quy định con số cụ thể đại biểu hoạt động chuyên trách với tỉnh là 25% và huyện là 20%.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp không phải số lượng đại biểu chuyên trách nhiều hay ít mà quan trọng là cơ chế hoạt động. Đại biểu cũng lo ngại khi biên chế có thể tăng lên 12.600 người liên quan đến các quy định về đại biểu chuyên trách HĐND các cấp.
Khi bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh: “Lâu nay thường cho rằng HĐND hoạt động còn mang tính hình thức, không phải do đại biểu mà do chưa trao cho họ những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình”.
Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương
Trong phiên thảo luận, đa phần các đại biểu đồng tình giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND và UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
Nhiều đại biểu đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là, việc đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là vấn đề khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, sau khi thảo luận, phân tích kỹ những mặt ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi, dự thảo Luật quy định theo hướng tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết, qua nghiên cứu dự thảo và tiếp xúc cử tri tại địa phương, việc giữ nguyên mô hình hiện nay, cấp nào cũng có HĐND và UBND là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm của nông thôn, hay đô thị. “Đây là phương án tối ưu, nếu bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, xã sẽ là vi hiến vì theo Hiến pháp năm 2013, ngoài HĐND ra thì không một chủ thể pháp lý nào có quyền được bầu ra UBND”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG