Những tác động của việc tăng giá sách giáo khoa đến đời sống người dân, nhất là các gia đình kinh tế còn khó khăn đã dành được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

leftcenterrightdel
Tăng cường quản lý giá sách giáo khoa. Ảnh minh họa: nhandan.com.vn 

Hiện nay, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở mức trên dưới 200 nghìn đồng/bộ, có bộ lên đến 300 nghìn đồng, tùy theo lớp học và lựa chọn bộ sách. Mức giá này được đánh giá tăng gấp 2-3 lần so với sách trước đây. Với một gia đình đông con, đều đang ở tuổi đi học, thu nhập lại không cao, để mua đủ sách cho con em mình sẽ là một khoản tiền đáng kể so với chi tiêu thường ngày.

Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), giá bán sách giáo khoa tăng trong lúc cuộc sống của số đông người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19, phần đông dư luận đều cho rằng, việc tăng giá sách trong thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các gia đình vùng sâu, vùng xa, gia đình thuộc hộ nghèo.

Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp để quản lý giá sách giáo khoa, bảo đảm không tăng giá bất hợp lý và phù hợp với mức thu nhập của đại bộ phận người dân. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá để tránh việc tăng giá tùy tiện, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân và tạo dư luận không tốt. Cùng với đó, cũng cần phân chia sách giáo khoa thành dạng sách bắt buộc phải có đối với học sinh và dạng sách tham khảo, sách bài tập để đa dạng sự lựa chọn theo nhu cầu cũng như khả năng chi trả.

Đã có một thời gian dài sách giáo khoa được sử dụng chuyền tay nhau cho nhiều thế hệ học sinh. Không hiếm gặp trong các gia đình mà anh, chị sau khi hoàn thành lớp học giữ lại bộ sách giáo khoa cho em tiếp tục sử dụng. Điều này giúp cho giá trị của sách giáo khoa được nhân lên hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay, có những cuốn sách giáo khoa được thiết kế như sách bài tập, học sinh làm bài trực tiếp trên đó, do vậy, chỉ có thể dùng được một lần. Đây là vấn đề hạn chế, đồng thời, cần giữ cho sách giáo khoa có tính ổn định trong khoảng thời gian thích hợp để sách có thể được sử dụng lâu dài.

Trong số các giải pháp được đại biểu Quốc hội nêu ra cho việc quản lý giá sách giáo khoa, đáng chú ý là đề xuất Chính phủ, các địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ để xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra còn kêu gọi nhân dân đóng góp, các nhà tài trợ ủng hộ sách cho thư viện. Với sự đầu tư này, học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hằng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc, vừa giúp tiết kiệm kinh phí, vừa giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình khó khăn có con trong độ tuổi đến trường.

MẠNH HƯNG