QĐND Online – Trong phiên thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013 chiều 28-5, vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là kỷ luật thu, chi ngân sách còn chưa nghiêm…

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về kỷ luật thu, chi ngân sách và cho đây là một nguyên nhân dẫn đến bội thu, bội chi những năm vừa qua, là vấn đề được nói đi, nói lại nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên).

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) chỉ ra việc tăng thu ngân sách năm 2013 chủ yếu do tăng thu từ giá dầu và đất. Việc tăng giá dầu đã giúp cho tăng thu ngân sách, nếu giá dầu không tăng thì là hụt thu. Tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí vẫn chưa được khắc phục. Đại biểu Hùng đặc biệt nhất mạnh đến vấn đề bội chi vì đã tăng quá cao so với Nghị quyết của Quốc hội. Từ đó đại biểu kiến nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch hơn nữa; nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị và chất lượng của kiểm toán; ban hành chế tài xử lý với những trường hợp chưa thực hiện nghiêm kiến nghị của kiểm toán.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, tăng chi cho đầu tư phát triển là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vượt chi trong năm 2013 cho thấy kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Do đó, thời gian tới phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. “Cái này do điều hành thôi, nên có giải pháp thực hiện được”, đại biểu Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với nhiều đại biểu phát biểu trước đó, đại biểu Lê Nam nhấn mạnh: “Bội chi giờ đã chi rồi, không biết bình luận thế nào. Do đó, có lẽ đã đến lúc phải áp dụng một chính sách quyết liệt, dù có phải cực đoan nhưng cũng phải thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt, thì mới đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra”.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cũng cho rằng việc chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, thu, chi chưa sát. Cùng với đó đại biểu chỉ ra một thực tế: Quyết toán nhiều năm liền chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ đều không đạt. Một trong ba trụ cột quan trọng lại chi không đủ là không hợp lý, do đó đại biểu đề nghị bố trí chi tiêu đủ và đạt định mức như dự toán đối với các lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn khi trong các báo cáo có nói thực hiện không nghiêm trong thu, chi ngân sách nhưng không thấy khiển trách ai. Đại biểu Lịch đặt câu hỏi, liệu Luật Ngân sách lần này có khắc phục được tình trạng kỷ cương không nghiêm? Từ đó đại biểu đề nghị những tồn tại thể chế thể hiện kỷ cương ngân sách không nghiêm cần khắc phục trong Luật Ngân sách sắp tới.

 

Bổ sung 76 điều mới

Chiều 28-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) trước Quốc hội. Dự thảo Luật gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều của Luật tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 76 điều mới.

Theo dự thảo luật, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, toà án phải xem xét, kết luận về tính hợp pháp của văn bản hành chính có liên quan; phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của luật.

Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính để giải quyết vụ án hành chính có nội dung tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ hành chính thì phải nêu rõ lý do.

Người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức đến phiên toà, phiên họp theo triệu tập của toà án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

XUÂN DŨNG