QĐND - Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Không khó bắt gặp trên đường những người tham gia giao thông nồng nặc mùi bia, rượu. Ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, hậu quả từ những vụ TNGT còn dai dẳng với rất nhiều gia đình.

Kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Ảnh: Lê Việt

 

Rời quê lên phố lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Năm ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) cùng nhóm bạn làm nghề thợ xây, phu hồ. Thuê nhà ở khu bờ sông đường Bạch Đằng (Hà Nội), anh Năm thường giải khuây mỗi tối bằng rượu, bia. Anh Năm nói, đi làm xa gia đình, buổi tối buồn không biết làm gì, mấy anh em lại mua đồ về tự làm, nhậu với nhau cho vui. Một lần dự cuộc liên hoan ở nhà bạn trên đường Đê La Thành, mải "chén chú chén anh", lúc ra về anh Năm đã ngà ngà say. Xua tay mọi người, ra điều vẫn tự lái xe được, anh Năm lên xe, rồ ga. Mới được được mấy trăm mét, anh đâm xe vào cột điện, ngã đập đầu xuống nền đường, máu me loang vệt dài. Người nhà vội đưa đi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não. Sau thời gian dài nằm điều trị, anh Năm ra viện trong nỗi lo lắng, buồn rầu của gia đình. Chấn thương làm anh không còn minh mẫn, lúc nhớ, lúc quên, việc nặng nhọc không cáng đáng được. Nhiều năm sau ngày bị tai nạn, đến nay anh vẫn chưa lấy vợ. Từ lao động chính trong nhà nay anh trở thành gánh nặng, sống phụ thuộc vào gia đình.

Trường hợp như anh Năm không phải hiếm gặp, có rất nhiều gia đình mất con, tài sản “đội nón” ra đi vì chăm sóc người nhà bị TNGT. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho biết, trong những năm qua có  rất nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.  Viện Pháp y quốc gia nghiên cứu 500 nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ thì 34% nạn nhân trong máu có nồng độ cồn.

Báo cáo về chất có cồn và sức khỏe của WHO năm 2014 cho biết, trong tổng số hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến chất có cồn trên toàn cầu thì có đến 15% số tử vong này do TNGT có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia. Một số nghiên cứu của WHO khi tiến hành trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cũng cho thấy, 36% người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Đó là những con số “biết nói” khiến chúng ta không khỏi băn khoăn tại sao tác hại của rượu, bia đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông lại không hề giảm? TS Nguyễn Kim Quý, chuyên gia về lĩnh vực tâm lý cho rằng, tâm lý đám đông ảnh hưởng nhiều đến thói quen uống rượu của người Việt. “Người Việt có thói quen không đẹp là ép uống  rượu. Hơn nữa, máu sĩ diện luôn có trong mỗi người, khi bị kích động, nhiều người không biết uống cũng nhắm mắt uống”, TS Nguyễn Kim Quý chia sẻ. Theo TS Nguyễn Kim Quý, rất khó để cấm uống bia, rượu hoàn toàn nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người phải xác định được điểm dừng, luôn có ý thức không đi quá giới hạn với rượu, bia nhất là khi tham gia giao thông.

BẢO BÌNH