QĐND - Theo đánh giá của Chính phủ tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII,  việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là vấn đề đang được các đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm. Bên lề kỳ họp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và là chuyên gia kinh tế để làm rõ hơn vấn đề này.

Tiến sĩ Trần Du Lịch.

-Thưa đồng chí, theo đồng chí ấn tượng nhất về tình hình kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2015 là gì?

- Tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm nay diễn ra theo xu hướng tích cực, thể hiện rõ ở một số mặt cơ bản như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá cả ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi…, trong đó đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Trong 3 lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015, thì tôi đánh giá cao kết quả thực hiện theo lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, điều đó thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ và ngành ngân hàng trong việc lành mạnh hóa hệ thống. Việc ổn định hệ thống ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô vì ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế.

- Đồng chí đánh giá thế nào về hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu? 

- Phải đánh giá một cách khách quan, trong thời gian vừa qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực và thực thi nhiệm vụ hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất hợp lý và quyết tâm thực hiện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, điều tôi ghi nhận là hệ thống ngân hàng lần đầu tiên trong nhiều năm dư nợ tín dụng tăng hơn 4%, điều mà trong 3 năm qua không làm được. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng mang tính sáng tạo như chương trình cho vay theo mô hình liên kết, tập trung vào 5 lĩnh vực tín dụng ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Những nỗ lực đó đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Điều tôi băn khoăn nhất là việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, vì đây là việc khó và liên quan nhiều đến các yếu tố khác nhưng về tổng thể thời gian vừa qua đã chứng minh sự quyết tâm và nỗ lực của hệ thống ngân hàng để giải quyết vấn đề này.

Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực xử lý nợ xấu.  Ảnh: Trịnh Thị Hường

- Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chậm và chỉ gom lại một cách cơ học mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta cần có cái nhìn một cách tổng thể và toàn diện. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô, sự đồng bộ về cơ chế và chính sách.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là vô cùng cần thiết để chúng ta loại khỏi hệ thống những ngân hàng yếu kém, bảo đảm tính an toàn của cả hệ thống. Tôi cũng hiểu khó khăn từ cách xử lý nợ xấu mà không được sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách; đồng thời không gây tác động bất ổn kinh tế vĩ mô và chi phí tối thiểu. Tôi nghĩ, với việc mua lại, sáp nhập giảm 9 ngân hàng là sự nỗ lực và bảo đảm được các nguyên tắc trên.

Còn câu chuyện xử lý nợ xấu là một việc khó đòi hỏi thời gian và quyết tâm cao. Nếu chúng ta làm không tốt việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ xấu giống như tách “con nghiện” ra khỏi cộng đồng, xét về lợi ích tổng thể làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và vẫn bảo đảm nguyên tắc chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm được nợ xấu như kỳ vọng đòi hỏi nhiều yếu tố khác như: Kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì đà tăng trưởng, phục hồi thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế pháp lý đặc biệt liên quan đến cơ chế hình thành thị trường mua-bán nợ.

- Về vấn đề nợ xấu, có ý kiến cho rằng, con số nợ xấu được đưa ra không thống nhất và thiếu minh bạch. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này ra sao?

-  Thông qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN trong những năm qua công bố tỷ lệ nợ xấu thường cao hơn tỷ lệ do ngân hàng thương mại công bố. Trong thực tế đã có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng báo cáo khoảng 3 đến 4%, nhưng theo đánh giá của NHNN thời điểm 2012 thì tỷ lệ này vào khoảng 17%. Điều đó không phải có sự đột biến nào về số liệu nợ xấu mà chẳng qua là con số nợ xấu, chất lượng tín dụng được đánh giá, soi xét qua lăng kính thanh tra, giám sát. Điều quan trọng hiện nay không phải là sự khác nhau của các con số mà tập trung tìm các giải pháp thực thi để giải quyết câu chuyện nợ xấu trên nguyên tắc phải kiểm soát và xử lý được, vì nếu chúng ta không làm tốt việc này sẽ ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế và sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tôi đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo giác độ giảm sự tắc nghẽn tín dụng và bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Xét theo 2 yếu tố mang tính định tính như vậy, thì thực tế việc xử lý nợ xấu diễn ra tích cực.

- Mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối  năm 2015 liệu có đạt được không, thưa đồng chí?

- Tôi kỳ vọng sẽ đạt được. Theo kết quả giám sát mới đây trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho thấy, khi khảo sát 12 ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại TP Hồ Chí Minh thì tỷ lệ nợ xấu chỉ có 2,45%. Tuy nhiên, nếu tính cả các công ty tài chính và một vài ngân hàng thương mại đang được NHNN giám sát đặc biệt, thì tỷ lệ nợ xấu vẫn còn khoảng 5,53%. Với quyết tâm cao của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua, tôi tin là việc đưa nợ xấu về khoảng 3% là khả quan và thực tế, nhưng việc xử lý căn bản vấn đề nợ xấu và “hậu nợ xấu” chắc chắn phải mất nhiều năm nữa.

- Theo đồng chí, đâu là thành công và khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua?

- Thành công lớn nhất tôi nghĩ là ổn định hệ thống và tạo được niềm tin công chúng. Đây là thành công không tính bằng con số định lượng nhưng vô cùng có ý nghĩa vì chúng ta cần đặt tình huống ngược lại nếu hệ thống ngân hàng bất ổn sẽ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng cả nền kinh tế. Thậm chí khi thực hiện mua lại, sáp nhập một số ngân hàng, tâm lý nhân dân ổn định và không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt. Điều đó thể hiện sự chủ động kiểm soát tình hình của NHNN và niềm tin của người gửi tiền với hệ thống ngân hàng.

Khó khăn lớn nhất tôi nghĩ đúng là cơ chế để xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc. Hoạt động của VAMC trong thời gian vừa qua đã thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình. Việc xử lý khối tài sản đã mua và sẽ mua đang là thách thức lớn đối với VAMC, nhưng dù sao VAMC cũng là một sự lựa chọn tốt nhất cho cách xử lý nợ xấu của Việt Nam trong bối cảnh nguồn lực tài chính xử lý nợ xấu còn hạn chế và không được sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nợ xấu cần thời gian và sự hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động của VAMC đặc biệt liên quan đến hình thành cơ chế cho thị trường mua bán nợ, trong đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền của chủ nợ theo luật dân sự, thủ tục phát mãi tài sản thế chấp… mà hiện nay đang là trở ngại rất lớn trong quá trình thanh lý tài sản thế chấp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHÚ THỌ (thực hiện)