QĐND - Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy được những hiệu quả nhất định trong việc tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu mà Quốc hội, Chính phủ... dốc sức giải quyết. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc của quá trình này.
Đã kiểm soát được các ngân hàng yếu kém
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, về cơ bản các mục tiêu và lộ trình đặt ra tới năm 2015 của đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được thực hiện. Thành công lớn nhất đến nay là bảo đảm sự thanh khoản của hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định của ngành để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Rủi ro về vàng cơ bản được loại bỏ nhờ việc chấm dứt huy động, cho vay, kinh doanh vàng trên tài khoản và đóng sàn giao dịch vàng. Thêm vào đó là việc cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển theo hướng ổn định hơn, ít phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Đáng chú ý nữa là quá trình tái cấu trúc đã giúp kiểm soát được các ngân hàng yếu kém. Trong số 9 ngân hàng thương mại yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, 1 ngân hàng đang tiếp tục đàm phán…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến tháng 9-2014, công ty đã mua được 3.591 khoản nợ xấu tương ứng với 59.511 tỷ đồng, dư nợ nội bảng với giá mua là 49.378 tỷ đồng của 35 tổ chức tín dụng. Đồng thời VAMC đã thực hiện phân loại 145 khoản nợ với tổng dư nợ là 14.785 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ cho 123 khách hàng có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ gốc là 9.685 tỷ đồng. Mức lãi suất điều chỉnh được VAMC công khai ở thời điểm hiện tại là 10,7%...
 |
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi tái cơ cấu đã giảm được tỷ lệ nợ xấu. Ảnh: Kiều Linh
|
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, lực cản lớn nhất của quá trình tái cơ cấu ngân hàng là tình trạng sở hữu chéo và nợ nần dây dưa của doanh nghiệp nhà nước. Trong một thời gian dài, với chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn, tâm lý doanh nghiệp vay vốn nếu không thu hồi được nợ thì trách nhiệm sẽ không thuộc về ngân hàng đã tạo thành nguy cơ tiềm ẩn về nợ xấu. Mặc dù NHNN đã nỗ lực dùng biện pháp hành chính, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện sáp nhập hay phát hành trái phiếu cho VAMC để mua nợ xấu, nhưng chính việc thiếu nguồn lực tài chính đã khiến cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng không hiệu quả như mong đợi.
Cần tiếp tục tháo gỡ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nợ xấu của ngân hàng thường được xử lý gắn liền với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Để xử lý nợ xấu thành công, cần thực hiện hai nhóm giải pháp chính là giải pháp vĩ mô của Chính phủ và giải pháp vi mô của các ngân hàng. Đối với giải pháp của Chính phủ cần các chính sách cụ thể như: Thiết lập cơ chế can thiệp vào ngân hàng có mức nợ xấu quá cao; thiết lập cơ chế tối đa hóa giá trị thu hồi của các tài sản xấu; các giải pháp về tăng cường niềm tin; thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tham gia của Chính phủ trong xử lý đóng cửa ngân hàng; ngân hàng tự xử lý nợ xấu hoặc thông qua công ty quản lý tài sản của ngân hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, từ năm 2016, nợ xấu của các tổ chức tín dụng về cơ bản đã được xử lý thông qua bán nợ cho VAMC và các tổ chức tự xử lý. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành dự kiến về mức 3%, do vậy VAMC sẽ hạn chế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt mà chuyển dần sang phương thức mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Những khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sẽ được VAMC phân loại từng khoản nợ và tài sản bảo đảm để phát mại cho các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, theo VAMC, cũng có thể mua luôn khoản nợ xấu đó theo giá thị trường với điều kiện bảo đảm không thua lỗ. Nếu thực hiện theo phương án này, việc xử lý nợ xấu sẽ không phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ có thể trao cho VAMC quyền hạn để xử lý nợ xấu triệt để trong thu giữ, phát mại, đấu giá nợ/tài sản và cho phép phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi, thế chấp, cầm cố để mua nợ xấu với những khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt. Trong trường hợp khó khăn không huy động được vốn, không phát hành được trái phiếu và tín phiếu cũng như vay vốn từ các tổ chức quốc tế, thì từ năm 2016, Chính phủ cần trao cho VAMC quyền xử lý khối nợ xấu tối thiểu là 150 nghìn tỷ đồng đã mua. Đồng thời cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành để nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG