QĐND Online – Chiều 11-6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn. Xúc tiến thương mại, giá điện, giá xăng dầu là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.

 

Tiếp tục làm tốt hơn trong thúc đẩy xúc tiến thương mại

Trước thực trạng 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ (đạt 8,14 tỷ USD), đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) chất vấn giải pháp với “tình hình suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm đáng quan ngại, nhất là nông nghiệp ứ đọng, không tiêu thụ được, thậm chí có hàng phải đổ bỏ khiến nông dân khó khăn, bức xúc; hàng giả, kém chất lượng tràn lan, đặc biệt trong nông nghiệp ảnh hưởng sản xuất, nông dân kêu than, đại biểu Quốc hội kiến nghị nhưng chậm giải quyết”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, 5 tháng đầu năm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng 7,8%, nguyên nhân do một số sản phẩm nông sản, như gạo, thủy sản kim ngạch xuất không bằng cùng kỳ do giá thấp, đặc biệt dầu thô giá không bằng giá năm trước. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như EU, Nhật do tỷ giá với đồng USD thấp nên cũng khiến giá trị xuất khẩu tụt giảm.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tiến hành tích cực các biện pháp để xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước: “Chúng tôi nhận thức rất sâu sắc rằng, khu vực nông nghiệp chỉ làm ra 18% thu nhập quốc dân nhưng lại liên quan đến 70% dân số. Sau này nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nông dân, nông thôn vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Cho nên khi đàm phán các hiệp định thương mại bao giờ cũng đặt yêu cầu với các đối tác mở cửa thị trường nông sản, đặc biêt là gạo, thủy sản. Và trong các hiệp định đã ký chúng ta đã đạt được lợi ích cốt lõi này”.

Bộ trưởng bày tỏ: “Suy giảm 5 tháng vừa qua là nhất thời. Tôi tin tưởng rằng với những việc đã, đang và tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do, cùng với việc nâng chất lượng, năng suất sản phẩm nông sản thì trong thời gian tới sẽ cải thiện hơn”.

Liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là thuốc trừ sâu, phân bón, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, là chủ đề trong nhiều kỳ họp nêu ra, có khá nhiều báo cáo và trả lời chất vấn, đây là thực tế, trách nhiệm của  ngành công thương, ngành đã làm, nhưng làm chưa tốt. “Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, với sự cố gắng của lực lượng thị trường, thuế, thanh tra, một số cơ quan liên quan và các địa phương tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã có những chuyển biến khá tốt, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo để làm tốt hơn”, Bộ trưởng hứa.

Tiếp tục chất vấn về vấn đề tiêu thụ nông sản, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đưa ra vấn đề tiêu thụ nông sản kém một phần do hệ thống lưu thông, tiêu thụ kém gây ách tắc? đơn cử như giá dưa hấu tại nơi trồng rất rẻ nhưng tới người tiêu thụ thì giá lại cao.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các loại hoa quả này trồng phân tán, dễ hỏng, hao hụt sau thu hoạch tương đối lớn (15-20%) nên giá thay đổi. Ngoài ra do địa bàn sản xuất và tiêu thụ khá xa, liên quan đến cước vận tải nên giá tăng. Không những thế, các thương nhân thu mua dưa đưa vào chợ, siêu thị thì qua phân loại nên giá dưa chênh lệch lớn. “Chúng tôi thống kê ở ruộng dưa chỉ từ 2.500 đến 5.000 đồng/kg nhưng vào đến chợ dân sinh là 10 nghìn đồng/kg, vào siêu thị là 18 đến 20 nghìn đồng/kg. Cho nên việc phân phối, lưu thông phải được thực hiện tốt hơn là rất cần thiết”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống phân phối và kho bãi là rất quan trọng. Nhà nước đã có nhiều chính sách và đã tiến hành triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, thời gian tới sẽ tích cực đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Điều hành giá điện theo lộ trình

"Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi tăng tiếp. Đó là điệp khúc kéo dài từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà đến nay. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, bán điện thì chi phí hạ, người dân sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy quá đúng nhưng lý thuyết ấy tại sao không đúng với ngành điện? bao giờ thì sẽ đúng với ngành điện?" đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) thẳng thắn chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, với giá điện chúng ta điều chỉnh giá vào tháng 8-2013, suốt 2014 giữ giá ổn định, đến tháng 3-2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Việc điều chỉnh giá là nằm trong chủ trương đưa theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chúng tôi đã thực hiện theo quy định. Vừa rồi, ngành điện đưa ra 3 phương án (tăng 7,5%; 9,5% và 12%) chúng tôi có tổ tư vấn liên ngành (4 Bộ) tham mưu vĩ mô, nghe ngành điện trình bày và báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện chứ không chỉ có Bộ Tài chính, Công Thương.

Lý giải về việc giá điện chỉ tăng chứ không giảm, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, giá điện hiện nay mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, trước đây do duy trì bao cấp, chưa phải là giá thị trường nên phải điều chỉnh giá theo thị trường. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng phải được tính toán để đảm bảo ổn định an sinh xã hội.

Chưa bằng lòng với phần trả lời, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi lại: “ý tôi hỏi là bao giờ xóa bỏ độc quyền kinh doanh điện vì nếu độc quyền thì sẽ tăng mãi, Bộ trưởng nói 2016 là lộ trình là như thế nào? nếu là lộ trình bán giá thị trường thì đáng mừng”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, thực hiện theo lộ trình, năm 2012 phát điện cạnh tranh, 2016 thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh; từ 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh hòan toàn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) và một số đại biểu về việc trồng rừng thay thế của các công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức phát là xử lý nghiêm, doanh nghiệp nào chây ỳ, không trồng rừng thay thế, không nộp tiền thì sẽ phải bị xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép. “Chúng tôi đã đi kiểm tra và các doanh nghiệp đều bày tỏ đồng tình”, Bộ trưởng cho biết thêm.

XUÂN DŨNG