Đổi mới từ cuộc sống người nông dân
Chúng tôi đến xã Phụng Công, huyện Văn Giang trong một ngày nắng đẹp. Tuy là một vùng quê, nhưng xã Phụng Công không khác gì một khu đô thị với những con đường trải nhựa, hai bên san sát những ngôi nhà khang trang, to đẹp.
 |
Trạm y tế xã Phụng Công được xây dựng khang trang, sạch đẹp. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: Phụng Công được công nhận xã NTM từ năm 2015 và hiện đang bước vào giai đoạn 2, tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao đời sống của người dân trong xã. Từ khi bắt tay xây dựng NTM cách đây 7 năm, đến nay, bộ mặt Phụng Công đã thực sự thay da, đổi thịt, tiệm cận xã nông thôn mới kiểu mẫu của toàn huyện Văn Giang.
Theo ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM phải là cải thiện cuộc sống của người dân. Văn Giang vốn có xuất phát điểm là một huyện thuần nông, quanh năm chủ yếu trồng lúa, ngô nên huyện đã có chủ trương đổi mới bắt đầu từ cuộc “cách mạng” chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Cho đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến như vùng trồng hoa, cây cảnh và cây trang trí khuôn viên, đô thị… tại các xã Xuân Quan, Phụng Công và thị trấn Văn Giang với diện tích khoảng 350ha, mang lại thu nhập từ 1 tỷ - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
 |
Diện mạo NTM xã Phụng Công hiện nay. |
Kết quả lớn nhất của chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là đời sống kinh tế của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ gia đình ở Xuân Quan, Phụng Công sau khi từ bỏ lúa gạo chuyển sang trồng hoa đã có thu nhập tăng gấp hơn 10 lần. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện từ 35 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên 43,6 triệu đồng/người/năm năm 2017; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,61% năm 2015 xuống còn 2,08% năm 2017. Sự giàu lên nhanh chóng của những người dân tiên phong chủ động chuyển đổi nghề tại đây đã trở thành hình mẫu để nhiều địa phương trong nước đến học tập kinh nghiệm.
Kinh tế phát triển, người nông dân lại tái đầu tư vào sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, sẵn sàng chi tiêu, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của toàn huyện.
 |
Những vườn cây cảnh như thế này đã cho người dân Văn Giang thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
|
Ông Hiệu cho biết: “Trước kia vận động nhân dân đóng góp cho các dự án chung rất khó khăn, nhưng từ khi người dân có của ăn của để, họ sẵn sàng cùng chính quyền tham gia các công tác phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới”.
Xây dựng NTM gắn với định hướng phát triển đô thị
Không chỉ có định hướng đúng đắn, huyện Văn Giang cũng rất linh hoạt và nhanh nhạy trong việc huy động những những nguồn vốn xã hội hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ 2016 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương là gần 530 tỷ đồng. Trong đó, có tới trên 94 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân…
 |
Bãi đất trồng ngô ngày nào tại Xuân Quan giờ đã trở thành vựa hoa phục vụ toàn miền Bắc.
|
Là một huyện ngay sát Hà Nội, lại nằm giữa các đầu mối giao thông quan trọng, Văn Giang có lợi thế lớn về vị trí địa lý nên nhiều dự án đã, đang và sẽ được xây dựng tại đây, trong đó phải đặc biệt kể đến dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark.
Sau khi chuyển giao diện tích đất nông nghiệp tại ba xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân Quan cho khu đô thị, ban lãnh đạo huyện đã kết hợp với chủ đầu tư mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho hàng trăm người dân. Toàn bộ chi phí các lớp dạy nghề, mời giáo viên có chuyên môn hay quá trình kiểm tra giám sát, giúp đỡ nông dân khi chuyển đổi nghề đều do doanh nghiệp chi trả, lên tới hàng chục tỷ đồng, góp phần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hoa cây cảnh tại Xuân Quan và Phụng Công vô cùng giàu có hiện tại.
 |
Người dân Văn Giang chủ động chuyển đổi nghề theo hướng nông nghiệp 4.0, trở thành hình mẫu để nhiều địa phương trong nước đến học tập kinh nghiệm.
|
Để Văn Giang vững bước về đích xây dựng NTM, ông Hiệu cho rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Bằng việc đa dạng các nguồn lực xã hội, trong 3 năm trở lại đây, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp được hơn 66km đường giao thông, đường trục xã, thôn; 14 công trình thủy lợi; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn lên 98,6%. Huyện cũng kêu gọi Ecopark hỗ trợ trong việc mời chuyên gia nước ngoài từ những tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới quy hoạch lại những dự án, hạ tầng sắp được triển khai trên địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia tạo công ăn, việc làm cho người dân, giúp chuyển hóa nông dân thành thị dân, ổn định cuộc sống ngay trên mảnh đất của mình. Hiện nay, Ecopark đã nhận tới hơn 1300 lao động địa phương. Những người nông dân lam lũ ngày nào nay đã trở thành công nhân, nhân viên văn phòng, hằng ngày đi làm chấm công 8 tiếng tại Ecopark với thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lao động nghề nông trước kia.
Văn Giang cũng là vùng đất rất giàu truyền thống hiếu học và sở hữu nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, được xếp hạng cấp quốc gia như chùa Mễ Sở, đình Đa Ngưu, đình Triệu Đà….cùng nhiều lễ hội đặc sắc thu hút khách du lịch các nơi đổ về. Để đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch, đồng thời giáo dục lịch sử cho các thế hệ mai sau, huyện cũng huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp nhằm phục vụ quá trình bảo tồn các di sản văn hóa quan trọng như mời chủ đầu tư Ecopark khôi phục lại Giếng Dạ tại Phụng Công- di tích gắn liền với công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân vùng đất này với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lịch sử.
Chương trình xây dựng NTM tại Văn Giang đã đem lại hiệu quả cho người dân, được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện. Từ xuất phát điểm tương đối thấp, chỉ 6,8/19 tiêu chí từ năm 2011, đến nay, huyện đã đạt đầy đủ 19 tiêu chí, tập trung nguồn lực hoàn thành nốt những khó khăn còn lại để cán đích huyện NTM, tiến tới phát triển đô thị đúng như mục tiêu đề ra.
Bài và ảnh: BẠCH ĐẰNG