Hợp tác xã (HTX) Đại Phong ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Trụ sở HTX được xây dựng 2 tầng hướng ra con kênh nhỏ xanh trong bên những rặng cây xanh mát. 

Phòng truyền thống HTX Đại Phong được bố trí ở tầng 2 trụ sở. Ở vị trí trung tâm là bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng đồng, không gian còn lại của căn phòng được sắp đặt nhiều tủ gỗ lưu giữ các tư liệu, kỷ vật, hình ảnh về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tinh thần thi đua lao động sản xuất của bà con xã viên HTX cách đây hơn 6 thập kỷ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kiểm tra giống ngô mới ở Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh tư liệu

Trong rất nhiều hiện vật được trưng bày, giới thiệu tại đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với danh hiệu “Lá cờ đầu trong nông nghiệp” của Hội đồng Chính phủ tặng HTX Đại Phong, tháng 5-1962. Hơn 60 năm qua, lá cờ thưởng được Ban chủ nhiệm HTX trưng bày rất trang trọng dù đã bị phai màu theo năm tháng.

Ngược dòng thời gian, đầu năm 1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương đã trực tiếp về thôn Đại Phong, một vùng đất chiêm trũng, thường xuyên ngập úng, nhiễm mặn... để phát động phong trào thi đua sản xuất trong các HTX nông nghiệp. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp truyền thống mà còn sâu sát kiểm tra toàn bộ quy trình canh tác và tổ chức lao động tại địa phương.

Với tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới, Đại tướng đã định hướng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực như tích cực làm thủy lợi, khoanh ô, khoanh vùng; cải tạo giống lúa và đưa dần giống năng suất cao vào thay thế những giống năng suất thấp canh tác dài ngày; phát triển ngành nghề, chú trọng chăn nuôi và đưa chăn nuôi thành ngành nghề chính để tăng thực phẩm và tăng phân bón cho đồng ruộng; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong thanh niên, phụ nữ, nông dân... Cùng với đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng vận động xã viên khai hoang hàng trăm héc-ta đất để mở rộng diện tích gieo trồng, xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển ngành nghề phụ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con xã viên...

 
Xã viên Hợp tác xã Đại Phong thu hoạch lúa. Ảnh: LINH NGỌC 

Với những thành tích vượt bậc trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, HTX Đại Phong trở thành hình mẫu, lá cờ đầu trong nông nghiệp, tạo tiếng vang lớn thu hút nhiều đoàn trong nước và quốc tế đến tham quan và học tập. Tháng 2-1961, Ban công tác nông thôn Trung ương cùng Bộ Nông nghiệp chính thức phát động phong trào thi đua rộng khắp với khẩu hiệu: “Học tập, tiến kịp và vượt HTX Đại Phong”. Chỉ trong vòng hai tháng, đến ngày 24-4-1961 đã có 1.700 HTX ký giao ước thi đua với Đại Phong. Con số ấy tiếp tục tăng vọt lên 3.191 HTX chỉ sau chưa đầy một tháng (17-5-1961). Cùng với "Trống Bắc Lý", "Sóng Duyên Hải", "Cờ Ba Nhất", "Gió Đại Phong" trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ lan rộng khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực trên toàn miền Bắc.

Với ông Nguyễn Cao Hòe ở thôn Đại Phong và rất nhiều người dân Lệ Thủy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là vị tướng chỉ huy mà còn là người bạn luôn đồng hành với nhân dân trong từng thửa ruộng. Hình ảnh vị tướng đầu đội nón lá, khoác áo tơi, lội ruộng trồng lúa, tát nước dưới mưa, hát hò khoan... trở thành ký ức thiêng liêng, sống mãi trong lòng người dân Lệ Thủy.

Hơn 60 năm kể từ ngày được tuyên dương danh hiệu “Lá cờ đầu trong nông nghiệp”, giữa bao biến thiên của thời cuộc, HTX Đại Phong vẫn vững vàng như một biểu tượng sống động của tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên. Trong khi nhiều HTX khác phải giải thể vì khó khăn, thì nơi đây vẫn giữ vai trò là hạt nhân tổ chức sản xuất, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. HTX hiện sở hữu nguồn vốn lớn nhất huyện Lệ Thủy, với 17 tỷ đồng vốn cố định, trong đó có 3 tỷ đồng vốn lưu động.

Cùng với đó, HTX Đại Phong liên tục đổi mới phương thức hoạt động cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ phát huy thế mạnh về trồng lúa, HTX còn hỗ trợ, giúp đỡ xã viên mở rộng ngành nghề sản xuất dịch vụ nông nghiệp. Nhờ vậy, đời sống người dân đổi thay rõ rệt, nhà cửa khang trang, giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Ông Nguyễn Cao Thành, Chủ nhiệm HTX Đại Phong chia sẻ: “Nghĩa cử ân tình và định hướng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn là động lực lớn lao để bà con xã viên và người dân Đại Phong vững vàng vượt qua mọi thử thách. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bà con vẫn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết để “Gió Đại Phong” ngày nào tiếp tục thổi bừng sức sống mới trong hành trình xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh”.

TRẦN MINH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.