Với những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế, trong năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta đã trở thành thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á và nằm trong tốp 10 TTCK có sức phục hồi tốt nhất trên thế giới. Bước sang năm 2021, TTCK Việt Nam được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Triển vọng tín nhiệm được nâng lên hai bậc
Trong tháng 3-2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm; điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực. Cơ sở để tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Moody’s cho biết, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước cũng như giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng, hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục, vững chắc. Tổ chức này đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến, chế tạo cùng khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động. Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của nước ta đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ.
 |
Cổ phiếu ngành ngân hàng là một trong những trụ cột nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. |
Việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, Moody’s dự báo nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khóa, việc điều hành chính sách hiệu quả, qua đó góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của nước ta. Các chuyên gia tài chính phân tích, việc chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm vào ngày 18-3-2021 không chỉ tạo ra tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh) diễn ra tình trạng nghẽn lệnh vào cuối phiên. Qua đó, phần nào phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào xu hướng đi lên của TTCK nước ta trong thời gian tới.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường năm 2021 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ như nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh; Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất; yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV-2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi.
Thanh khoản ở mức trên 18.000 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB cho biết, TTCK trong nước khép lại phiên giao dịch cuối tháng 4 bằng phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp sau khi đã kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm, đây cũng là tháng tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index. Diễn biến đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhịp võng của thị trường trước phiên ATC (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa) và trong phiên ATC với phiên cơ cấu cuối cùng của các quỹ ETF (quỹ đầu tư hoán đổi danh mục) và các chỉ số mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 4-5. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 9,84 điểm lên 1.239,39 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 18,22 điểm lên 1.312,28 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 220 mã tăng/167 mã giảm, ở rổ VN30 có 20 mã tăng và 10 mã giảm. Thanh khoản thị trường tăng trở lại với giá trị khớp lệnh đạt hơn 18.200 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh và thậm chí đã xác lập đáy ngắn hạn, do đó, rủi ro đã giảm bớt. Do vậy, hiệu ứng bán trong tháng 5 của năm nay khả năng sẽ ít xảy ra khi đa phần các nhóm cổ phiếu lớn trong rổ VN30 ra báo cáo tài chính quý I-2021 tích cực và dòng tiền sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT