 |
Ảnh minh họa. |
Sửa đổi Luật Xây dựng là nhằm hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, đặc biệt là các hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đây là ý kiến của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tại hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 31-3 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Dũng, việc sửa Luật cũng nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, phân định rõ trách nhiệm các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, không làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí các dự án đầu tư xây dựng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển công nghệ trong xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh hạn chế lớn nhất của Luật Xây dựng hiện nay (ban hành năm 2003) là Luật quy định phương thức quản lý giống nhau cho các nguồn vốn khác nhau. Các nguồn vốn ngoài Nhà nước được quản lý chặt chẽ nên thất thoát ít; trong khi vốn Nhà nước được ủy quyền, quản lý không chặt, dẫn đến thất thoát lớn. Hiện nay, nguồn vốn Nhà nước đều giao cho chủ đầu tư tổ chức các khâu thẩm định, thiết kế kỹ thuật… nên dễ xảy ra việc thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn, khiến giá công trình bị đội lên, thất thoát là điều khó tránh khỏi.
Mặt khác, được giao nhiều quyền nhưng chủ đầu tư không phải là cơ quan chuyên nghiệp. Việc thành lập các ban quản lý dự án cũng vậy, khi công trình hoàn thành thì ban quản lý giải thể, thiếu chuyên nghiệp, trách nhiệm không đến cùng. Tại mỗi địa phương, có hàng trăm ban quản lý nhưng nguồn nhân lực có chuyên môn về đầu tư xây dựng lại mỏng, phân tán, trong khi nhiều công trình phó mặc cho nhà thầu nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Thiết kế cơ sở là nội dung quan trọng, cốt lõi của dự án đầu tư xây dựng nhưng hiện chưa được quy định về sự tham gia của các cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn đến sự lãng phí đầu tư vốn của Nhà nước. Vai trò trách nhiệm các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, trong đó có chủ đầu tư chưa được phân định rõ, cụ thể hóa.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề để thất thoát, lãng phí ở từng khâu cụ thể, khắc phục tình trạng thiếu sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước chuyên môn về xây dựng trong quá tình đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng phân biệt nguồn vốn khác nhau để có những phương thức quản lý khác nhau, trong đó vốn nhà Nước cần quản lý chặt chẽ, còn các nguồn vốn khác tập trung quản lý xem công trình có đúng quy hoạch không, có đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường không.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định việc thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành, hoặc khu vực để quản lý hiệu quả dự án. Việc mua bảo hiểm công trình xây dựng là cần thiết, nhiều nước bắt buộc. Khi công trình được mua bảo hiểm (tính luôn vào giá công trình) người dân mua nhà ở hoặc sử dụng công trình nếu bị hư hại sẽ được thanh toán sửa chữa.
Dự thảo Luật cũng quy định cho phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch vì thực tế ở Việt Nam, xây dựng phải có quy hoạch, có lộ trình lâu dài, nếu chờ thực hiện được quy hoạch đó sẽ mất nhiều thời gian trong khi người dân phải chờ đợi, dẫn đến lãng phí. Do vậy, cần thiết cho phép xây dựng tạm trong một thời hạn nhất định để đảm bảo khai thác quỹ đất một cách hiệu quả nhất, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích.
Theo TTXVN