Ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước theo đúng tinh thần cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà khẳng định: “Các văn bản pháp lý cần thiết đã được ban hành đầy đủ, đúng hạn, giúp các địa phương kịp thời cập nhật, vận hành hệ thống một cách chủ động và hiệu quả”. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, cùng với 58 thông tư do các bộ, ngành chủ trì xây dựng. Những văn bản này không chỉ làm rõ trách nhiệm, quyền hạn mà còn quy định cụ thể các biểu mẫu, thành phần hồ sơ, chi phí và thời gian giải quyết từng loại thủ tục hành chính. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực thi ngay từ ngày đầu vận hành mô hình mới.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tam Dương, tỉnh Phú Thọ.

Điểm sáng trong triển khai là việc phân cấp mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương đối với 556 thủ tục hành chính, trong đó có tới 479 thủ tục được giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn. Ở cấp xã, dù chỉ tiếp nhận 7 thủ tục mới nhưng lại có thêm 278 thủ tục hành chính được chuyển từ cấp huyện xuống. Cùng với việc bãi bỏ 74 thủ tục không còn phù hợp, đây là bước đi rõ rệt trong việc tinh gọn, giảm chồng chéo và tăng tính chủ động của cơ sở.

Không chỉ dừng lại ở văn bản, các bộ, ngành đã nhanh chóng công bố, công khai danh mục thủ tục hành chính theo từng thẩm quyền. Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã xây dựng và phát hành bộ “Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã”, một tài liệu hướng dẫn súc tích, thiết thực, giúp cán bộ cơ sở nắm chắc chức trách, quyền hạn, quy trình xử lý tình huống một cách linh hoạt, đồng bộ.

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng tạo nền tảng vững chắc cho mô hình hai cấp vận hành trơn tru. Từ phần mềm quản lý văn bản, hội nghị trực tuyến, hệ thống báo cáo điện tử, cho đến trung tâm hành chính công cấp xã, tất cả đã được các địa phương đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ người dân qua tổng đài và nền tảng trực tuyến được tích hợp đồng bộ, bảo đảm phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi.

Tại cuộc họp báo, đại diện Chính phủ nhấn mạnh phương châm xuyên suốt của cải cách hành chính và chuyển đổi số là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Đặc biệt trong bối cảnh bỏ cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, điều cốt lõi không chỉ nằm ở mô hình bộ máy mà là sự vận hành hiệu quả, thống nhất, phục vụ người dân nhanh chóng, minh bạch.

Từ việc ban hành các nghị định đúng hạn, chuẩn hóa dữ liệu, đến việc ứng dụng công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tất cả đều hướng tới mục tiêu tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các quy định liên quan, nâng cấp cổng dịch vụ công quốc gia, số hóa hoàn toàn quy trình xử lý thủ tục hành chính, tiến tới hình thành hệ thống chính quyền số hiện đại, gần dân, sát dân và vì dân phục vụ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.