Cần có cơ chế đặc thù vượt trội và đột phá để huy động nguồn lực

Là dự án trọng điểm của Hà Nội, chỉ một năm sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội (tháng 6-2022), dự án trọng điểm quốc gia này đã chính thức được khởi công vào ngày 25-6-2023. Để có được kết quả này, yếu tố quan trọng tiên quyết không thể không nhắc tới đó là dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô là một trong số ít dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhất.

Để dự án bảo đảm tiến độ và đưa vào khai thác từ năm 2027, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư cũng như quá trình tổ chức thực hiện, kể cả việc chỉ định thầu đối với một số gói thầu. Đây là dự án đầu tiên ở Hà Nội được Chính phủ cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước; cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án...

Cơ chế tài chính - ngân sách thuận lợi tạo điều kiện cho Hà Nội có nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng. Ảnh: TUẤN HUY 

Dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô đang được triển khai, song kinh nghiệm cho thấy, các dự án lớn của Hà Nội có đủ khả năng về đích đúng hạn và khả năng bảo đảm sự hiệu quả trong điều phối, liên kết phát triển vùng nếu được mạnh dạn áp dụng những cơ chế đặc thù. Do đó, việc điều chỉnh Luật Thủ đô theo hướng giao quyền mạnh hơn cho thành phố trong việc huy động tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô sẽ mở ra một chương mới cho Hà Nội cũng như toàn vùng.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố là 715.000 tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 312.560 tỷ đồng. Vì vậy, con số thiếu hụt này cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nguồn lực cho thành phố, trong đó có nguồn vốn vay là phần rất quan trọng để huy động nguồn lực đầu tư.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Việt Nam) khẳng định, chỉ có những cơ chế đặc thù vượt trội mới có thể tạo nguồn lực nhằm giải quyết được một khối lượng khổng lồ kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng. Từ đó tạo nền tảng để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt hơn 36.000USD, trong đó, kinh tế-văn hóa-xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới vào năm 2045.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đánh giá, dự thảo luật còn có nhiều quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô. Hà Nội không giống các địa phương khác, kể cả thành phố có nghị quyết đặc thù như TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, nếu TP Hồ Chí Minh có đầu tư theo hình thức BT (đầu tư-chuyển giao) bằng tiền thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho phép Hà Nội thu hút đầu tư dự án BT bằng đất, đây là đột phá lớn để thu hút các nguồn lực cho Thủ đô.

Đề xuất được vay nợ không có hạn mức trần

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về tài chính - ngân sách nằm chủ yếu tại Điều 35 - huy động nguồn lực tài chính-ngân sách cho phát triển Thủ đô và Điều 36-sử dụng nguồn lực tài chính - ngân sách cho phát triển Thủ đô. Ngoài ra, tại những điều khoản khác của dự thảo luật cũng thể hiện việc sử dụng ngân sách các cấp của thành phố để chi những khoản chi đặc thù, cao hơn hoặc ngoài quy định đã có của Trung ương ở các lĩnh vực như: Văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị...; chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đầu tiên về mức vay nợ và bội chi ngân sách (khoản 4 Điều 35 dự thảo luật), có 3 nội dung chính: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần; thành phố chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn những nghĩa vụ liên quan đến khoản vay lại; tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định.

Quy định này nhằm cho phép Hà Nội được vay nợ không có hạn mức trần, có thể cao hơn so với Luật Ngân sách nhà nước (60%) và Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội (không quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Nhưng việc kiểm soát mức dư nợ do Quốc hội quyết định và phải nằm trong khả năng trả nợ của thành phố (do HĐND thành phố quyết định mức vay). Như vậy, quy định này giúp thành phố có cơ chế huy động nguồn vốn vay linh hoạt, chủ động hơn, tập trung hơn, huy động nguồn lực tài chính đủ lớn để triển khai những nhiệm vụ chiến lược, trọng điểm trong từng thời kỳ.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính, thông thường, dư nợ phải nằm trong giới hạn nhất định để bảo đảm an toàn cho việc trả nợ. Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội quy định mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách TP Hà Nội được hưởng theo phân cấp.

Với quy định trên, Hà Nội gặp khó khăn là khi cần nguồn lực để chi tiêu, tạo ra sự đột phá thì sẽ không có đủ bởi bị khống chế từ hạn mức, khi vượt khỏi mức theo quy định sẽ không được vay, huy động nữa. Nếu được xóa hạn mức sẽ huy động được nguồn lực đủ để tăng trưởng, phát triển nền kinh tế theo mong muốn, triển khai hiệu quả những nhiệm vụ chiến lược. Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải có chuyên gia quản lý nợ và chuyên gia tư vấn giỏi giúp quản lý tốt đồng vốn, tính toán hợp lý trong việc vay và trả nợ cũng như sử dụng đồng vốn thực sự hiệu quả.

Một số chuyên gia cho rằng, vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để bảo đảm khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách thành phố. Để bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phá cho Hà Nội, có thể quy định mức trần vay nợ 150-200% tổng thu ngân sách thành phố hưởng theo phân cấp (hiện nay, TP Hồ Chí Minh được vay không quá 120%).

Tiền thu sử dụng đất, cho thuê đất - Hà Nội được giữ lại bao nhiêu là hợp lý?

Một trong những vấn đề về cơ chế tài chính-ngân sách của Thủ đô được đặc biệt quan tâm đó là quy định về tiền thu từ đất (khoản 5 Điều 35) của dự thảo luật. Quy định này xác định: Ngân sách TP Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội. Hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương đang được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Ngân sách nhà nước sẽ được sửa đổi và quy định tỷ lệ điều tiết, phân chia khoản thu này giữa Trung ương và địa phương.

Như vậy, quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm ưu đãi, cho phép Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu từ đất, trên cơ sở hằng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể (có thể cao hơn tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) nhằm giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do thành phố đề xuất; trong đó có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và thành phố theo quy hoạch.

Liên quan tới quy định này, nhiều ý kiến cho rằng quy định “được giữ lại tối đa” là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó có hiệu lực khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi quy định về nội dung này. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể thì cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách. 

Chính vì vậy, đối với quy định này, đề nghị Quốc hội xem xét theo hướng: Xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể, cao hơn dự kiến của Luật Ngân sách nhà nước nhằm tạo nguồn lực cho thành phố; đồng thời, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định về tỷ lệ điều tiết cao hơn cho Thủ đô trong một giai đoạn nhất định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm, hoặc nhiệm vụ do Trung ương giao.

Nêu rõ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề xuất, dự thảo luật quy định cụ thể mức trần ngân sách TP Hà Nội được giữ lại để phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về cơ chế điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong triển khai.

Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, việc TP Hà Nội đề xuất giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cần phải được xem xét linh hoạt, không cứng nhắc. Tùy từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể, những việc có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô thì khi đó mới được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất để tạo nguồn lực phát triển. Còn lại phải xem xét tỷ lệ giữ lại các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất phù hợp với phê duyệt của Quốc hội.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tỷ lệ giữ lại các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất của TP Hà Nội nên ở mức 80% là phù hợp. Phần 20% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất còn lại thì nên nộp về Bộ Tài chính để phân bổ cho việc quy hoạch vùng miền, xây dựng đường sá, môi trường...

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu, trong giai đoạn từ năm 2011-2020, Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa làm tốt vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Có một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội... Trên cơ sở đó đặt ra yêu cầu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

(còn nữa)

VŨ DUNG - MẠNH HƯNG - ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.