Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho phép chính quyền TP Hà Nội được chủ động quyết định số biên chế, qua đó tạo cơ sở pháp lý giúp bảo đảm nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Giải tỏa áp lực cho chính quyền cơ sở
Là phường đông dân nhất Hà Nội, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) thường xuyên "nở rộ" các tòa chung cư, dân số đã tăng lên gấp nhiều lần, thậm chí tương đương với cấp quận nhưng số lượng cán bộ, công chức không thay đổi. Có ngày hàng trăm người dân đến bộ phận một cửa, hành chính để giải quyết công việc, để đáp ứng nhu cầu này, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc không kể giờ hành chính.
Một điều tưởng như nghịch lý là trong khi Thủ đô không ngừng mở rộng về quy mô dân số thì tổng số biên chế ngày càng giảm. So với năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 của Hà Nội đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách nhà nước) giảm 10%.
 |
Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: LÊ HIẾU |
Theo UBND TP Hà Nội, biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà càng có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức của Hà Nội là rất lớn, nhất là với công chức. Nếu tính theo số dân/biên chế công chức, Hà Nội hiện ở mức 1.016 người dân/1 công chức, trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố là 686 người dân/1 công chức. Vì vậy, nếu được cho phép chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có 2 phương án về biên chế được đề xuất. Cụ thể, phương án thứ nhất, quy định tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định. Phương án thứ hai, HĐND TP Hà Nội được quyết định biên chế công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố. Quy định như vậy sẽ giúp Hà Nội có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích, Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đáp ứng được các yêu cầu đặc thù về tổ chức bộ máy và nhân sự của Hà Nội, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc dành quy chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội. Các quy định về biên chế và công tác cán bộ đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và thể hiện được sự chủ động của chính quyền.
Dự thảo đã quy định liên thông trong việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức tại thành phố, giúp các cấp chính quyền có thể linh hoạt trong việc sử dụng nhân lực, nhất là khi có những yêu cầu đột xuất hoặc khi có những thay đổi trong công tác tổ chức, luân chuyển cán bộ, công chức. Thành phố cũng được chủ động tuyển dụng người làm những công việc chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng, vừa dễ thu hút lao động vào khu vực công, vừa giúp các đơn vị linh hoạt hơn trong tuyển dụng, sử dụng nhân lực.
Mô hình tổ chức chính quyền linh hoạt
Theo TS Nguyễn Toàn Thắng (Trường Đại học Luật Hà Nội), hiện nay, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện hoặc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Hà Nội với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế, cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững.
Bộ máy chính quyền Hà Nội phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Cùng với đó, cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền TP Hà Nội, có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Đồng thời, cần trang bị nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện một cách phù hợp.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế một chương riêng về tổ chức chính quyền. Cụ thể, Chương 2 của dự thảo luật về “Tổ chức chính quyền tại Thủ đô” với 10 điều quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Việc xây dựng chương riêng về tổ chức chính quyền Thủ đô được đánh giá là cần thiết để xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội. TS Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, quy định này sẽ mở ra tổ chức chính quyền linh hoạt, phù hợp với tính chất, mức độ, đặc điểm phát triển đa dạng của các đơn vị hành chính của Hà Nội; khắc phục tình trạng cứng nhắc, rập khuôn trong tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, phường là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nội thành, nội thị, theo khu vực dân cư.
Cùng cấp với xã, thị trấn nhưng phường có tính chất khác biệt rất lớn, địa giới hành chính nhỏ nhưng mật độ dân số cao, cơ sở hạ tầng đô thị đồ sộ, phức tạp hơn. Vì vậy, TS Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, quản lý nhà nước ở phường cần có đặc thù so với các đơn vị hành chính khác, việc không tổ chức HĐND phường cơ bản vẫn bảo đảm tính kế thừa, ổn định, không có quá nhiều xáo trộn so với hiện nay.
Dự thảo luật cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND. Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu về tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố, nhất là việc tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, yêu cầu cần thiết trong điều kiện không tổ chức HĐND ở phường. Qua đó, bảo đảm tăng cường chức năng đại diện, giám sát của HĐND các cấp.
Chính phủ đề xuất thành lập hai thành phố trực thuộc TP Hà Nội. Dự kiến là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía Bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía Tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Hai thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị... Quy định của dự thảo luật về mô hình chính quyền tại thành phố thuộc thành phố được đánh giá là phù hợp với kinh nghiệm của một số địa phương khác đã tổ chức mô hình này như TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh.
Cơ chế trả lương cao hơn, được thuê nhân lực nước ngoài
Về vấn đề thu hút nhân tài, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất, bên cạnh việc thành phố được quyết định việc trả lương cao hơn, các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như: Được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP Hà Nội quy định.
Được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp... Nhiều ý kiến đánh giá, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về thu hút, trọng dụng nhân tài.
PGS, TS Nguyễn Như Phát (Trường Đại học Hòa Bình) nhìn nhận, việc tuyển dụng đã khó, nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương của khu vực nhà nước hạn chế hơn so với khu vực tư nhân. Vì vậy, để thu hút được các chuyên gia hàng đầu thế giới, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn, xây dựng nhiều mức lương, chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt phù hợp với mỗi cấp bậc người lao động và gia đình họ đi kèm.
Nhiều ý kiến đề xuất, Hà Nội cần tạo lập môi trường làm việc tốt để những người có kiến thức, trình độ và kinh nghiệm phát huy được năng lực, sự sáng tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nội dung dự thảo luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như "có tài năng đặc biệt", có "phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội"... và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
|
(còn nữa)
VŨ DUNG - MẠNH HƯNG - ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.