Dự án thu hồi được vốn mới được vay ODA
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2005-2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết là khoảng 45 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Nguồn vốn vay ODA đã góp phần cải thiện hạ tầng đất nước, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân...
Tuy nhiên, Việt Nam đã là một quốc gia có thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi. Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn trước năm 2010, vốn ODA thường có thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Thế nhưng, dự kiến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay ODA theo điều kiện như trước đây mà phải chuyển sang sử dụng chủ yếu nguồn vốn ưu đãi và tiến tới vay thương mại theo điều kiện thị trường. Thời hạn vay vốn ODA bình quân chỉ còn 10-25 năm và chi phí vay khoảng 2-3,5%. Tức là, thời gian trả nợ được rút ngắn chỉ còn một nửa và mức lãi suất thì tăng ít nhất là gấp đôi. Vốn ODA thực chất là vốn vay nước ngoài, làm tăng nợ quốc gia. Vì thế, theo ông Hoàng Hải, việc sử dụng nguồn vốn ODA cần phải hiệu quả hơn bằng cách không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung đầu tư vào các dự án thực sự hiệu quả.
Theo ông Hoàng Hải, hiện nay, một loạt các dự án vay vốn ODA đang đứng trước nguy cơ dang dở như: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Mê Công; xây dựng cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; phát triển giao thông đô thị Hải Phòng; phát triển năng lượng tái tạo… Điểm chung của các dự án này là đều sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) nhưng giải ngân chậm và có nguy cơ bị điều chuyển vốn đầu tư sang dự án khác, thậm chí bị WB “cắt” vốn. Nguyên nhân chủ yếu đó là do công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, chất lượng thiết kế chưa cao dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; cùng với đó là ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với các dự án ODA trong lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị ở các thành phố lớn. Việc thiếu vốn đối ứng cho các dự án ODA cũng là một nguyên nhân gây chậm tiến độ thực hiện dự án mặc dù Chính phủ luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn này. Cuối cùng là năng lực của các Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều Ban Quản lý dự án không am hiểu quy trình và thủ tục của nhà tài trợ đã dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Ảnh: TTXVN
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020 và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Cụ thể, đối với nguồn vốn vay ODA ưu đãi, Chính phủ sẽ cân đối để sử dụng cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn. Ví dụ: Dự án tàu điện ngầm, dự án đường cao tốc, các nhà máy điện… là những dự án có khả năng tạo nguồn thu và thu hồi vốn trực tiếp. Vốn ODA sẽ không được sử dụng cho các hoạt động có tính chất sự nghiệp hay những hoạt động không tạo được nguồn trong tương lai. Đây là một sự thay đổi quan điểm hết sức quan trọng trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài.
Thực hiện cơ chế cho vay lại
Trước đây, Trung ương đứng ra vay của các nhà tài trợ sau đó cơ bản cấp phát lại cho các địa phương thực hiện các dự án ODA. Bây giờ, theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài sẽ không được cấp phát, mà thực hiện theo cơ chế cho vay lại.
Có hai đối tượng được vay lại vốn ODA là địa phương và doanh nghiệp. Khi phân bổ theo kiểu cấp phát, xin-cho thì địa phương, doanh nghiệp nào cũng muốn có vốn ODA dẫn đến chuyện vốn đến cả những “địa chỉ” chưa có nhu cầu thật sự. Nhưng khi phải vay lại, phải trả nợ, thì việc vay vốn ODA sẽ phải được tính toán kỹ hơn. Chính phủ sẽ định hướng và yêu cầu các địa phương vay lại theo tỷ lệ căn cứ vào nguồn thu ngân sách của các địa phương để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn vốn vay. Tương tự, các doanh nghiệp sẽ vay lại trực tiếp từ Bộ Tài chính thông qua các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng đó sẽ phải tiến hành thẩm định doanh nghiệp và chờ quyết định của Bộ Tài chính xem có cho doanh nghiệp đó vay hay không. Chỉ có các chủ dự án có đủ khả năng về mặt tài chính và trả được nợ thì mới nhận được nguồn vốn vay.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc quản lý cho vay lại đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ. Với cơ chế mới này, các địa phương có nhu cầu sử dụng vốn ODA sẽ phải được thẩm định các dự án. Các dự án sau khi qua thẩm định, đạt tiêu chuẩn sẽ nhận được sự bảo lãnh của Chính phủ và địa phương được phép vay vốn, với cam kết phải hoàn trả nguồn vốn đã vay.
Chia sẻ với báo chí dưới góc độ của nhà tài trợ vốn vay ODA cho Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân Anh, cố vấn cao cấp cho trưởng đại diện của JICA, cho rằng, Bộ Tài chính cần quy định chi tiết tỷ lệ, tiêu chí, đối tượng, điều kiện được vay lại vốn ODA. Cũng theo bà Vân Anh, nên giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án. Không nên vì lý do quản lý tài chính mà đưa ra các điều kiện bất hợp lý vô tình lại gây chậm tiến độ dự án. Nếu đánh giá dự án cần thiết thì phải đẩy nhanh tiến độ. Bởi lẽ, bà Vân Anh cho biết, nhiều nguồn vốn ODA khi đã ký cam kết là phải trả phí và lãi dù chưa giải ngân, vì thế càng giải ngân chậm thì càng thiệt hại.
Qua những quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, hy vọng rằng nguồn vốn ODA, cũng như các nguồn vốn vay nước ngoài sẽ được chi đúng mục tiêu, giải ngân nhanh, hiệu quả sử dụng được nâng cao, không để xảy ra tình trạng "đời này vay, đời sau phải trả nợ".
QUỲNH DƯƠNG - LA DUY - NGUYỄN VŨ