QĐND - Uống rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của nhiều người. Song việc lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm. Rượu, bia gây tác hại lớn cho sức khỏe con người, cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng tai nạn khi người sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Nghiên cứu của WHO cho thấy Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn thuộc tốp đầu thế giới. Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO năm 2014 cũng cho thấy tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam chiếm tới 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Những vụ TNGT liên quan đến rượu, bia phần lớn là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra. Đồng thời cũng theo cảnh báo của WHO, thiệt hại kinh tế do TNGT liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam lên tới khoảng 1,2 tỷ USD (năm 2010).
 |
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Mạnh Hưng
|
Với việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thời gian qua, việc kiểm soát người điều khiển phương tiện có sử dụng đồ uống có cồn đạt được một số thành tích nhất định. Mặc dù vậy, theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), công tác xử lý vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình là thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết, cùng với ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn kém. Bên cạnh đó, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tuy đã được trang bị nhưng vẫn còn thiếu nhiều, nhất là công an cấp huyện và lực lượng thanh tra giao thông; còn một số đơn vị, địa phương chưa tập trung thực hiện các chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Ông Nguyễn Phương Nam kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ đối với hành vi người điều khiển phương tiện có sử dụng đồ uống có cồn. Đồng thời, cần tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc như nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao; phạt nặng hành vi tái phạm.
Khẳng định quyết tâm thực hiện “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), thời gian tới vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện. Mỗi người tham gia giao thông cần hiểu rõ sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. UBATGTQG cũng sẽ nghiên cứu đề xuất nâng cao hình thức xử phạt. “Phần lớn ý kiến gửi về UBATGTQG đều đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt. Thậm chí, nhiều ý kiến kiến nghị chuyển sang xử lý hình sự đối với hành vi này”, ông Khuất Việt Hùng lưu ý.
DUNG VŨ