QĐND Online – Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 3-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Quy định làm sao để có thể bầu ra được các đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND là điều được các đại biểu đặc biệt quan tâm, góp ý…

Quy định tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu vào trong luật

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, Điều 3 dự thảo luật quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; Người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Giải thích về quy định này, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND dự kiến quy định trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 cùng với dự án Luật này). Trên cơ sở các quy định đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu. Tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.

Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang), đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) đề nghị quy định ngay vào trong luật chứ không nên theo luật này, luật kia. Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu là vấn đề quan trọng, quyết định chất lượng đại biểu và suy cho cùng quyết định chất lượng các cơ quan dân cử này. “Do vậy, cần quy định rõ ràng và quy định thẳng vào dự thảo luật để nhìn vào đó, các cơ quan và nhân dân biết, lựa chọn bầu; tạo thuận lợi cử tri tra cứu, không phải xem từ luật này sang luật khác, không phải mua tới ba quyển luật mới biết được”, đại biểu Đương nhấn mạnh.

Cụ thể hóa tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số

Việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND sau này. Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Thực tiễn cũng cho thấy, tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương lại có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của mỗi khoá cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó, kết quả bầu cử chủ yếu lại phụ thuộc vào lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cử tri đối với từng ứng cử viên.

Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8); trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Đồng thời, quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu HĐND các cấp (Điều 9 của dự thảo Luật).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Theo đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ), phải quy định ngay tỷ lệ % số người dân tộc thiểu số, là nữ ứng cử đại biểu HĐND chứ quy định kiểu định tính như vậy là làm khó cho quá trình thực hiện.

Thực tế có những địa phương, người dân tộc thiểu số nhiều nhưng thậm chí không có cán bộ là người dân tộc thiểu số nên đại biểu Nông Thị Lâm (đoàn Lạng Sơn) đề nghị dự thảo Luật quy định cơ cấu ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong bầu cử phải tương xứng với số người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đưa ra con số hiện Quốc hội khóa XIII có 15,6% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy định ứng cử viên là người dân tộc thiểu số 18% thì tỷ lệ người dân tộc thiểu số trúng cử chỉ khoảng 12% (thấp hơn hiện tại). Do đó, cần quy định tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số từ 20-25% để đạt tỷ lệ người dân tộc thiểu số trúng cử. Tương tự, cần tăng tỷ lệ ứng cử viên đại biểu Quốc hội là nữ lên 38% để tỷ lệ nữ trúng cử đạt tỷ lệ 30% tổng số đại biểu Quốc hội.

XUÂN DŨNG