QĐND Online – Ngày 5-6, Quốc hội đã dành gần một ngày để thảo luận ở hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Trước những bức xúc trong xã hội về oan, sai trong tố tụng hình sự, các đại biểu đều đánh giá cao việc tiến hành giám sát về tình hình oan, sai và cho rằng Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai là tài liệu tốt để cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tham khảo, rút kinh nghiệm…
71 trường hợp oan sai trong 3 năm
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều cho rằng: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.
 |
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. |
Trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02% trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Các đại biểu cho rằng, đây là tỷ lệ không nhiều, nhưng đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (đoàn Sóc Trăng), đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cho rằng, trong 3 năm để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết là tỷ lệ không lớn. Nhưng điều này cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến oan, sai
Các đại biểu cũng chỉ ra, bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội; trong kỳ giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều vi phạm khác trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự như biên bản điều tra bị tẩy xóa, thiếu thành phần tham gia tố tụng, việc kê biên tài sản, xử lý vật chứng chưa đúng quy định... dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo về tư pháp diễn biến phức tạp, có những trường hợp gay gắt, kéo dài.
Phần lớn các sai lầm trong việc áp dụng pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp do có khiếu nại gay gắt sau đó báo chí, dư luận phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm mới xem xét, xử lý. Nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp oan, sai chủ yếu thuộc về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng (trình độ, năng lực yếu kém, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp hạn chế).
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) chỉ ra: Trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng), nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) yêu cầu bồi thường hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) yêu cầu bồi thường trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong.
Cùng đóng góp về vấn đề bồi thường, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đặt vấn đề qua 3 năm chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn, vậy vấn đề ở đâu? luật quy định sao các ngành, các cấp không thực hiện? đại biểu kiến nghị cần xem xét nghiêm túc vấn đề này để trả lời cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đồng tình với nguyên nhân dẫn đến oan, sai: Một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ, chưa thường xuyên, kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật; thiếu tính chuyên nghiệp; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho người bị tình nghi phạm tội.
Cùng với đó, đại biểu Khá đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này để có biện pháp giải quyết.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) lại không đồng tình với những nguyên nhân này. Đại biểu Thuyền cho rằng, không thể nói là do trình độ được vì hiện tại cán bộ đều đã được đào tạo tốt, có bằng cấp đầy đủ. Đại biểu Thuyền chỉ ra, qua nghiên cứu về oan, sai cho thấy nguyên nhân chính là: Khám nghiệm hiện trường; thu thập chứng cứ; đánh giá chứng cứ rất khác nhau. Chính từ những nguyên nhân này đã khiến nhiều vụ án kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình. Cùng với đó đại biểu cho rằng, nói thiếu luật sư thì chưa hẳn vì các vụ oan, sai đều có luật sư hết, cái chính là luật sư nói nhưng có “được nghe” hay không? Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai chính là ở chỗ đó. Tổng kết lại thực tế, đại biểu Thuyền kiến nghị, người làm tố tụng hình sự phải “có trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết, nhưng phải có cái đầu lạnh và bàn tay “sạch”.
Cuối giờ chiều, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông. Ngày 6 và 7-6, Quốc hội nghỉ làm việc.
XUÂN DŨNG