QĐND Online – Ngày 8-6, Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Đã có 46 đại biểu đăng ký và tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm và những hạn chế của kinh tế-xã hội nước ta hiện nay để cùng bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…
Nhiều chuyển biến tích cực
Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2014, nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Các ý kiến cho rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã xác định đúng hướng đi, có chủ trương đúng đắn, giải pháp kịp thời; cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã cố gắng, vượt qua khó khăn, thử thách trong điều kiện hết sức bất lợi, nên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, sự điều hành của Chính phủ đã có sự chuyển biến rất lớn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thời gian nộp thuế, khai hải quan, tiết kiệm điện năng, tích cực tháo gỡ nợ xấu, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và khối doanh nghiệp…. Nhờ vậy, nền kinh tế năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực, khởi sắc hơn so với các năm 2012 và 2013. Những tháng đầu năm 2015 cũng có kết quả khả quan, trong đó các cân đối vĩ mô tiếp tục ổn định, chính sách xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, an toàn xã hội được đảm bảo, cải cách tư pháp được triển khai tích cực, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng.
 |
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. |
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) chỉ rõ thêm: Thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả nổi bật, tích cực theo lộ trình. Việc Bộ Tài chính tiếp tục áp trần đối với các mặt hàng sữa đã đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt trẻ em dưới 6 tuổi.
Công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển. Việc phân bổ nguồn vốn tập trung cho các dự án trọng điểm quốc gia đã đem lại hiệu quả cao, cấp phát vốn đầu tư công được thực hiện minh bạch. Công tác thông tin truyền thông đã khẳng định vị trí, vai trò và sự phát triển của đất nước. Công tác đối ngoại thu được kết quả nổi bật, đặc biệt Quốc hội đăng cai tổ chức thành công Hội nghị IPU 132, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắc Nông) nhấn mạnh: Đến nay, Quốc hội khóa XIII đã trải qua 9 kỳ họp, đồng nghĩa với 9 lần được nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Nhưng lần này tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri phản ánh cảm giác tương đối yên tâm, vững tin phần nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đoàn Vĩnh Long) khẳng định: “Năm 2014, theo Báo cáo của Chính phủ và tình hình thực tế của cả nước được coi là năm thành công nhất của Chính phủ kể từ năm 2011 đến nay. Vượt cả kỳ vọng và thách thức như các chuyên gia đã dự đoán”.
Nhiều thách thức đang đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế thực chất không cao; số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động vẫn tăng; nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, không có khả năng thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng là nguy cơ tiếp tục tạo ra nợ xấu; cơ cấu xuất siêu chủ yếu là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (chiếm khoảng 65-67% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) chỉ ra: “Sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ uống thuốc khỏe, chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ, sau 2 năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc”.
Đại biểu Nghĩa lo lắng việc môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Điểm bất cập lớn nhất của chất lượng xuất khẩu là tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp phụ tùng, gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, chủ yếu là hàng gia công, dệt may, da giày, “dường như chúng ta đang cố duy trì thật lâu nền kinh tế công nghệ thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp” đại biểu Nghĩa băn khoăn.
Từ nhưng phân tích của mình, đại biểu Nghĩa kiến nghị, cần tập trung cho công cuộc đổi mới về mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu; tập trung giải quyết vấn đề nợ công không phải bằng cách buộc Chính phủ giảm đi vay mà bằng cách quản lý đầu tư công chặt chẽ, đúng pháp luật và có tầm nhìn.
Tập trung phân tích về vấn đề cải cách, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu: “Trong kỳ họp này, qua nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ cũng như của các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời qua theo dõi thực tiễn, tôi nhận thấy cần thiết thêm một lần nữa phải nhấn mạnh về vấn đề an ninh tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến địa chính trị ngày càng phức tạp và gốc rễ của vấn đề cần được xử lý nằm ở chính thể chế”.
Đại biểu Đồng cho rằng, bội chi ngân sách Nhà nước và áp lực nợ công, việc hụt thu năm 2013 được bàn thảo nhiều, năm 2014 có thể khả quan hơn nhưng mức bội chi của 2015 có vượt dự toán hay không còn phụ thuộc nhiều vào ẩn số, bao gồm giá dầu thô. Đại biểu kiến nghị, nhằm làm rõ thực trạng, chúng ta nên tính toán lại các chỉ số về nợ công theo đúng bản chất kinh tế của nó thay vì tính toán theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công hiện hành.
Để kết thúc phần phát biểu của mình, đại biểu Đồng xin nhấn mạnh lại: “Các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn trong cải cách thể chế. Đặc biệt là cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước”.
Nhiều câu hỏi cho lĩnh vực nông nghiệp
Trong phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu bày tỏ sự trăn trở về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bởi xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng gạo chủ lực giảm đáng kể, thị trường nông sản bất ổn, chất lượng không cao, nông dân gặp khó khăn do tình trạng “được mùa mất giá”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: Trong 7 nhóm khó khăn, hạn chế về kinh tế - xã hội, chủ yếu được nêu trong báo cáo, tôi thấy cô đọng quá, chỉ phản ánh tình hình, chưa phân tích đánh giá nguyên nhân, ở đây chủ quan là chính, hay tại khách quan, cũng như nhiều kỳ trước, giải pháp nêu trong báo cáo tiếp tục mang nặng tầm vĩ mô, ý chí quyết tâm như chủ động, tăng cường, tiếp tục tập trung đẩy mạnh, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính đột phá để khắc phục từng bước giải quyết những khó khăn, hạn chế đó.
Nói về nông nghiệp, đại biểu Đương đặt ra một loạt câu hỏi: “Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế, hay chất lượng nông sản thấp? Các cụ dạy rằng "trăm người bán, vạn người mua", cứ sản xuất nhiều, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ, nhưng chất lượng hàng hóa thấp, hỏi rằng có bán được không? Vai trò định hướng, của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? Bây giờ là cây mắc ca đang trồng ồ ạt ở nhiều nơi, nhưng đầu ra sẽ ở đâu? Liệu có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím, nữa không? Gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa, gạo. Nhưng đến nay chúng ta đã đánh giá hiệu quả, tác động của giải pháp tình thế này đến đâu? Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào?
Đồng tình với nhiều đại biểu về tình trạng khó khăn của nông nghiệp hiện nay, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) và một số đại biểu đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần đẩy nhanh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết các vướng mắc hiện nay, đó là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất, xác định rõ những lợi thế, thế mạnh các sản phẩm của từng vùng, địa phương, của quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách có hiệu quả và bền vững. Mở rộng quy mô và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất giống để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp để làm bà đỡ cho nông dân trong ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực bảo quản và chế biến sâu nông sản, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ cao, thời gian bảo quản ngắn, nhằm đa dạng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao, kéo dài thời gian tiêu thụ, tránh tình trạng bị ép giá. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách hợp lý và lâu dài để tiêu thụ nông sản, phát triển hệ thống thu mua, phân phối phù hợp. Có cơ chế đảm bảo được phân phối có hiệu quả hợp lý giữa sản xuất nông nghiệp và phân phối lưu thông, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, nhưng người tiêu dùng lại mua với giá cao như hiện nay.
XUÂN DŨNG