leftcenterrightdel
Cảng Chu Lai-Trường Hải hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. 
Chuyển dịch kinh tế đúng hướng

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Thành công lớn nhất có tính đột phá của Quảng Nam chính là việc chuyển dịch, xác định cơ cấu kinh tế đúng hướng, đó là chọn phát triển công nghiệp để tạo lực đẩy phát triển kinh tế. Chính vấn đề này đã làm thay đổi nền kinh tế và giải quyết căn cơ việc giảm nghèo tại địa phương. Quảng Nam xác định 3 ngành quan trọng tập trung đầu tư, phát triển là công nghiệp cơ khí, xây dựng thành công trung tâm cơ khí ô tô quốc gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên nền tảng của gần 80 doanh nghiệp may mặc hiện tại và công nghiệp chế biến, chế tạo”.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, sau khi tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Nam chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn phân tán và nhỏ bé, chưa xác định được hướng đi chủ lực. Thương mại và dịch vụ còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và đời sống; kinh tế du lịch còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác... Trước thực tế đó, Quảng Nam đã chọn hướng đi có tính đột phá là ưu tiên phát triển công nghiệp. Khi đã chọn được hướng đi đúng đắn và có những giải pháp hợp lý với các cơ chế thông thoáng đã giúp địa phương thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư, phát triển công nghiệp. Từ một địa phương thuộc diện nghèo của cả nước, Quảng Nam vươn lên mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế có sự phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, quy mô nền kinh tế tăng khá. Sau 20 năm tái lập, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2016 tăng 14,73% so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân (1997-2016) đạt 10,9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt gần 69.000 tỷ đồng, gấp 27 lần so với năm 1997. Từ một địa phương phải nhận trợ cấp kinh phí từ Trung ương, đến nay tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh đạt gần 20.000 tỷ đồng, gấp 163 lần năm 1997.

Hiện thực hóa cải thiện môi trường đầu tư

Để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam coi trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; coi trọng cải thiện môi trường đầu tư. Xác định hạ tầng đi trước một bước, Quảng Nam tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không. Cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn kết nối Nam-Bắc, cầu Giao Thủy nối đồng bằng với miền núi. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh kết nối các trục giao thông lên Tây Nguyên, sang Lào, Thái Lan... Quảng Nam cũng đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các KCN, cụm công nghiệp. Ðiển hình Khu kinh tế mở Chu Lai, với tổng diện tích khoảng 4.500ha. Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.

leftcenterrightdel
 Khu kinh tế mở Chu Lai-điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Từ cách làm khoa học, hợp lý; môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng cùng với những tiềm năng to lớn của Quảng Nam đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mặt trời, Tập đoàn Sun Group cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn đầu tư vào Quảng Nam vì chính quyền địa phương năng động, sáng tạo, coi trọng môi trường đầu tư. Quảng Nam hội tụ rất nhiều lợi thế, có bờ biển dài 125km với nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn du khách; là vùng địa linh nhân kiệt với những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận. Nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, giao thông thuận lợi".

Với nhiều nỗ lực, Quảng Nam đã đạt những thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư. Thời điểm năm 1997, cả tỉnh chỉ thu hút được được 80 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước, 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn đã có đến 129 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm 2016, tỉnh cấp mới 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD... Chính sự thu hút mạnh mẽ về đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Nam phát triển vượt bậc.

Đồng hành với doanh nghiệp

Giải quyết vấn đề phát triển, thu hút đầu tư, Quảng Nam có nhiều chính sách thông thoáng, có bước chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, Quảng Nam luôn xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là bạn đồng hành, nhà tư vấn trong phát triển kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, Quảng Nam còn thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có triển khai thực hiện quy chế phối hợp thực hiện “một cửa liên thông”; xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng...

Đến tham quan Khu kinh tế mở Chu Lai, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương “trung dũng kiên cường”. Cách đây chưa lâu, vùng đất Núi Thành mênh mông cát trắng, mùa nắng chói chang, nhức mắt; mùa mưa sũng nước, cây cối xác xơ bởi sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết... Vậy mà hôm nay đã có nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch mọc lên với quy mô lớn như: Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải, Nhà máy Kính nổi Chu Lai, Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử CCI, Nhà máy Sản xuất Soda Chu Lai... Các dự án Khu kinh tế mở Chu Lai đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam, nhất là tạo ra các sản phẩm chủ lực, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Sau khi dẫn chúng tôi tham quan Nhà máy Vina Mazda chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm xe Mazda, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã nói rõ lý do chọn vùng đất Quảng Nam để lập nghiệp: “Sau 14 năm có mặt tại Quảng Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đạt được thành công này, một trong những nguyên nhân chính là sự đồng hành của chính quyền, xem việc của doanh nghiệp là việc của mình. Sự tương tác ấy chính là động lực để công ty tiếp tục gắn bó với vùng đất này!”.

Có thể nói, trong thời gian qua, nền kinh tế còn gặp không ít những khó khăn, song với phương châm “đồng hành với doanh nghiệp”, Quảng Nam đón nhận nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư lớn mạnh cả trong nước và quốc tế như: Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, Suntory-Pepsico, Nhà máy Bia Việt Nam VBL, thiết bị ngành dệt may Groz-Beckert và các thương hiệu du lịch, dịch vụ nổi tiếng như: The Nam Hai, Sân golf Montgomerie Links, Victoria, Golden Sand... Trong định hướng phát triển của mình, Quảng Nam xác định, tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho các ngành chế tạo, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô;, đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, phấn đấu trở thành trung tâm dệt may lớn của cả nước...

Mới đây, trong lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, thu ngân sách tăng cao, tự hào đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố tự cân đối và đóng góp ngân sách cho Trung ương. Thủ tướng cũng chỉ rõ những điều kiện thuận lợi để Quảng Nam phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong thời gian tới. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Quảng Nam cần tính đến chiến lược phát triển theo chiều sâu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả không chỉ ở địa phương mà phải tính đến cả khu vực. Nhất là chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút mọi nguồn nhân lực cho phát triển, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tạo bước chuyển mới trong lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phấn đấu vươn lên trở thành một tỉnh giàu có toàn diện ở miền Trung.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM