Đây được xem là bước đột phá, vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và kết quả thí điểm Ban ATTP TP Hồ Chí Minh.

Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh xung quanh công tác chuẩn bị, định hướng và quyết tâm thực hiện tốt công tác điều hành, quản lý, tham mưu về ATTP trên địa bàn đông dân nhất cả nước, có nhiều vấn đề phức tạp về ATTP.

leftcenterrightdel
PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan. 

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hồ Chí Minh gắn với những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: TP Hồ Chí Minh có quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng và lưu lượng lương thực, thực phẩm trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu rất lớn, vấn đề bảo đảm ATTP luôn “nóng”, phức tạp. Các chợ truyền thống, các chợ đầu mối cơ sở vật chất xuống cấp, khó bảo đảm vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng vẫn còn thói quen ủng hộ chợ “chồm hổm” bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. Hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra phổ biến, rất khó quản lý; tình trạng thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại, sản xuất, chế biến theo công nghệ cũ, thủ công không bảo đảm chất lượng, không ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng... còn nhiều, đã trở thành mối lo, nguy cơ cao về mất ATTP. Hiện nay, địa bàn thành phố có 236 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, hơn 80% thực phẩm đều nhập từ các địa phương khác; 13.506 cơ sở và 15.854 người hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố... Thực trạng đó đặt ra yêu cầu rất lớn, cần có phương thức quản lý ATTP mang tính đặc thù, chặt chẽ với chế tài đủ mạnh cũng như các cơ chế phối hợp đồng bộ trong lĩnh vực ATTP. Từ năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị và được Chính phủ cho cơ chế thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP trên cơ sở gộp cơ quan chuyên trách của 3 ngành: Công thương, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện yêu cầu trên, phù hợp với thực tiễn.

leftcenterrightdel
Lực lượng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra về an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối Hóc Môn. 

PV: Kết quả từ thí điểm Ban Quản lý ATTP như thế nào và vì sao phải thành lập Sở ATTP, thưa đồng chí?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: Ban Quản lý ATTP sau 6 năm thí điểm đã mang lại hiệu quả rất tốt, công tác quản lý ATTP ngày càng phát huy hiệu quả, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm mạnh; ý thức người dân, doanh nghiệp về ATTP, tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn được nâng cao... Giai đoạn năm 2014-2016 có 18 vụ, giai đoạn năm 2017-2022 giảm còn 12 vụ, các đội kiểm tra ATTP bám sát ở các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong 6 năm, đơn vị đã thanh tra, kiểm tra gần 327.600 cơ sở, phát hiện gần 37.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 11,3%), xử phạt số tiền hơn 153 tỷ đồng; xây dựng chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn bằng hình thức ký kết với 2.319 chuỗi thực phẩm an toàn tại 22 tỉnh, thành phố có sản phẩm đạt tiêu chí của GlobalGap, VietGap, ISO, HACCP... Kết quả của mô hình Ban Quản lý ATTP đạt được rất rõ nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế trong quản lý, xử lý vi phạm, phối hợp liên ngành, đòi hỏi cần có cơ chế quản lý phù hợp, có chế tài, lực lượng đủ mạnh để bám sát cơ sở, ngăn chặn, xử lý vi phạm ATTP. Chủ trương thành lập Sở ATTP là quyết định đúng đắn, cần thiết đối với đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ở cấp sở, công tác quản lý, kiểm tra xử lý những vi phạm về ATTP và đặc biệt là cấp các loại giấy phép, chứng nhận liên quan đến sản phẩm bảo đảm ATTP gắn với các quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đây là một khâu bắt buộc trong quản lý liên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân. Nâng cấp sở cũng sẽ giúp có lực lượng, biên chế thanh tra, kiểm tra liên quan đến ATTP, có thẩm quyền truy xuất, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ATTP.

PV: Người dân TP Hồ Chí Minh hy vọng, khi Sở ATTP đi vào hoạt động, công tác quản lý vệ sinh ATTP sẽ có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: Nếu nói thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP là một quyết định đúng đắn thì việc nâng cấp, thành lập Sở ATTP là một bước hoàn thiện mô hình quản lý, phương thức hoạt động trong lĩnh vực ATTP. Đặc biệt là về mặt pháp lý của quản lý nhà nước đã phân cấp cụ thể, các chỉ đạo của UBND thành phố cũng được thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sát với thực tiễn; cấp sở sẽ không bị vướng những quy định kiểu như văn bản này chỉ áp dụng đối với các sở, thẩm quyền chỉ cho giám đốc sở chứ không quy định cho trưởng ban. Sở ATTP thành phố sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ và có những thẩm quyền cụ thể trong quản lý, điều hành, tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh về ATTP...

PV: Quản lý ATTP là một lĩnh vực dễ nảy sinh những tiêu cực như chạy giấy chứng nhận, bỏ qua vi phạm, tình trạng nhũng nhiễu cơ sở... Giải pháp, phương thức để ngăn chặn điều này như thế nào?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: Quả đúng như thế, đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến một ngành nghề rất lớn, việc nảy sinh những tiêu cực là vấn đề lo ngại trong quản lý, điều hành. Vì thế, từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thí điểm, yêu cầu quy định về quản lý, quy định pháp luật và sự tin tưởng, quan tâm của Thành ủy, UBND và các cấp đối với Ban Quản lý ATTP, chúng tôi đặt ra quyết tâm rất cao, xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ đối với các cơ quan trực thuộc, quy chế phối hợp, quy trình làm việc của cán bộ, viên chức trực thuộc; luôn đề cao đạo đức công vụ để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người dân, tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng, phát triển xanh, bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐẶNG TRUNG KIÊN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.